Xây bằng gỗ quý, vì sao Tử Cấm Thành vẫn sừng sững sau hỏa hoạn?
Tử Cấm Thành là một trong những kiến trúc cổ bằng gỗ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất thế giới. Để cung điện hoàng gia này không bị "bà hỏa" thiêu rụi, người xưa đã thực hiện một số biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả.
Nằm tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Tử Cấm Thành hay còn gọi Cố Cung là nơi ở của 24 hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh. Theo đó, cung điện hoàng gia tráng lệ với 9.999 gian phòng trở thành trung tâm quyền lực, kinh tế chính trị, văn hóa... suốt mấy thế kỷ.
Tử Cấm Thành là một trong những kiến trúc cổ bằng gỗ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất thế giới. Vật liệu chính được dùng để xây dựng các kiến trúc trong Cố Cung là gỗ.
Trong hơn 600 năm tồn tại, cung điện hoàng gia này từng nhiều lần xảy ra hỏa hoạn. Thế nhưng, Tử Cấm Thành vẫn còn gần như nguyên vẹn đến ngày này. Điều này khiến công chúng không khỏi tò mò về lý do vì sao Cố Cung có thể đứng vững sau nhiều trận hỏa hoạn nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, người xưa đã có giải pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả. Đó là những cung nữ, thái giám sẽ thường xuyên làm sạch cỏ dại, lá cây, rêu ở khắp nơi bên trong Tử Cấm Thành để đề phòng chúng bắt lửa gây ra những vụ hỏa hoạn lớn.
Tiếp đến, những cung điện quan trọng trong Tử Cấm Thành được lợp mái bằng loại ngói tráng men nhằm che đi những cấu trúc gỗ bên dưới nhằm giảm nguy cơ bị sét đánh trúng gây ra hỏa hoạn.
Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn do đốt nốt, lò sười..., quy trình chữa cháy trong Tử Cấm Thành sẽ được khởi động. Đó là hàng trăm chiếc vại bằng sắt, đồng và đồng mạ vàng với những kích thước khác nhau được đặt rải rác trong cung điện. Chúng luôn được đổ đầy nước để sẵn sàng sử dụng khi xảy ra vụ cháy.
Ngay cả vào mùa đồng, nước trong các chiếc vại cũng không bị đóng băng. Để làm được điều đó, thái giám sẽ đốt lửa ở dưới đáy chum. Nhờ vậy, khi xảy ra cháy, hàng ngàn lít nước trong các chiếc vại sẽ được sử dụng để dập lửa.
Thêm nữa, dưới thời vua Khang Hy, nhà Thanh thành lập một đội cứu hỏa có tên Jitong. Nhiệm vụ của họ là phòng cháy chữa cháy. Vậy nên, những người lính cứu hỏa dưới thời vua Khang Hy đều trải qua huấn luyện kỹ lưỡng để có thể hành động nhanh chóng, kịp thời và chính xác khiến đám cháy nhanh chóng được dập tắt.
Nhờ có đội cứu hỏa tên Jitong với số lượng thành viên dưới 300 người, số vụ hỏa hoạn xảy ra trong Tử Cấm Thành giảm mạnh và không gây hư hại nghiêm trọng cho các kiến trúc bằng gỗ.
Với những giải pháp phòng cháy, chữa cháy trên, Tử Cấm Thành còn gần như nguyên vẹn tới ngày nay.