Về biên giới cực Tây vui Tết Khù Sự Chà
Khù Sự Chà là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống trên địa bàn huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Tết Khù Sự Chà diễn ra vào cuối năm, khi mùa màng đã thu hái xong, là dịp để con, cháu quây quần, báo hiếu tổ tiên, vun đắp tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Tết Khù Sự Chà được tính từ thời khắc đầu tiên trong ngày Thìn của tháng 12. Để tổ chức Tết, việc chuẩn bị được tiến hành từ những ngày hôm trước, với thịt lợn, gà, gạo nếp; khuôn viên bản làng được dọn dẹp, chỉnh trang gọn gàng, sạch, đẹp.
Công việc được phân chia cụ thể cho các thành viên trong gia đình. Đàn ông làm thịt lợn, làm cỗ; phụ nữ làm bánh, chuẩn bị mâm cúng. Sau lễ cúng tổ tiên, gia chủ xem gan, mật lợn, để đoán vận may trong năm mới.
![]() |
Phụ nữ Hà Nhì giã bánh giầy chuẩn bị cho Tết Khù Sự Chà. |
![]() |
Bánh trôi - vật phẩm quan trọng trong mâm cúng Tết của người Hà Nhì. |
Vật phẩm chính trong mâm cỗ của Tết Khù Sự Chà là bánh trôi. Người Hà Nhì quan niệm, bánh trôi tròn, trắng, ngọt thanh, thể hiện sự tròn trịa, đủ đầy, sung túc trong năm mới.
![]() |
Các gia đình chuẩn bị lễ cúng. |
Lễ cúng đầu năm mới gồm hai mâm cỗ. Mâm cỗ để cúng thần linh, tổ tiên được thực hiện ở khu vực chính giữa nhà. Mâm cỗ còn lại được thực hiện ở đầu giường, trong buồng ngủ của chủ nhà.
![]() |
Chủ nhà thực hiện nghi lễ cúng Tết. |
Sau khi bày các vật phẩm, chủ nhà làm lễ cúng, mời tổ tiên, thần linh về ăn Tết cùng gia đình. Kết thúc việc cúng, một phần nhỏ vật phẩm của mâm cỗ được chia ra, để mời các linh hồn không nơi nương tựa.
![]() |
Sau lễ cúng, một phần nhỏ vật phẩm được chia ra xung quanh nhà. |
Tiếp theo, gan, mật lợn sẽ được chủ nhà sử dụng để xem, đoán vận may. Theo quan niệm của người Hà Nhì, tùy vào mức độ lớn nhỏ, màu sắc của gan, mật lợn, sẽ thể hiện điềm tốt, điềm xấu trong năm mới.
![]() |
Người Hà Nhì xem gan lợn để xác định vận may trong năm mới. |
Theo ông Lỳ Xuyến Phù (ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé), với người Hà Nhì, việc cúng tổ tiên, thần linh trong năm mới do chủ nhà thực hiện, không phân biệt phụ nữ hay đàn ông. Do sự phát triển của xã hội, một số phong tục của dân tộc Hà Nhì dần thay đổi, thích nghi, hòa đồng với cuộc sống.
Tuy nhiên, người Hà Nhì vẫn giữ những nét đặc trưng của dân tộc mình. Bàn thờ được làm rất đơn giản bằng ống tre, trên cắm một vài cành cây, nhánh tre, buộc tại đầu giường của chủ nhà. Khi bất chợt phải chuyển nhà, chỉ cần tháo ống tre, mang theo về nhà mới.
![]() |
Múa hát dịp đầu năm mới trong Tết Khù Sự Chà. |
Sau các khâu tế lễ, sẽ là hoạt động vui Tết. Tết Khù Sự Chà diễn ra trong khoảng 3 ngày. Các thành viên trong cộng đồng sẽ đi từng nhà ăn cơm, chúc Tết. Trong những ngày Tết, khói bếp sẽ bay không ngừng trên khắp các nóc nhà. Trong nhà, ngoài ngõ luôn rộn ràng những điệu cười, giọng nói, chúc mừng năm mới với những điều tốt đẹp và vụ mùa bội thu.
Bài, ảnh: THÙY BIÊN