Kon Tum: Nhiều mô hình, cách làm hay kết hợp du lịch với nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, những năm gần đây, các địa phương đang từng bước hình thành nhiều mô hình du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Theo Sở VHTTDL Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 14 khu, điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Trong đó, thành phố Kon Tum có 4 điểm, huyện Kon Plong có 7 điểm, huyện Đăk Hà có 1 điểm, huyện Ngọc Hồi có 1 điểm, huyện Sa Thầy có 1 điểm;
Ngoài ra, còn có trên 30 điểm du lịch nông thôn, văn hóa, cộng đồng khác đang được đầu tư xây dựng; nhiều làng văn hóa, làng nghề truyền thống được thống kê, rà soát để có kế hoạch hỗ trợ bảo tồn, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nông thôn.
Tại huyện Kon Plông, từ tháng 10.2023, huyện ra mắt mô hình “Chợ phiên măng Đen” với sự tham gia của 24 gian hàng (trong đó có 9 gian hàng là nhà sàn do các xã, thị trấn giới thiệu sản phẩm của địa phương, 15 gian hàng do Hội Du lịch Măng Đen phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện). Vật liệu sử dụng để làm các gian hàng hết sức gần gũi với thiên nhiên như tre, nứa, mái lợp tranh và bố trí hài hòa với không gian thoáng đãng dưới tán rừng thông.
“Chợ phiên Măng Đen” ra đời nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dược liệu, nông sản đặc trưng của huyện đến người tiêu dùng, các tầng lớp nhân dân, du khách; tạo cơ hội cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện gặp gỡ, tìm hiểu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thu hút nhân dân và khách du lịch đến tham quan mua sắm; giới thiệu cho du khách trải nghiệm các chương trình văn hóa DTTS trên địa bàn.
Tại huyện Tu Mơ Rông, nơi được xem là Thủ phủ của cây "quốc bảo" sâm Ngọc Linh, những năm qua chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá tiềm năng, thế mạnh về dược liệu của huyện kết hợp với phát triển du lịch và đã tạo được tiếng vang như: Phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức thường niên với nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn bên lề; Hội thi ẩm thực "Ẩm thực dược liệu - Tinh hoa núi rừng"; Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn;
Tại huyện Đăk Hà, trong những năm qua, huyện chú trọng phát triển du lịch với phương châm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, địa phương đã tập trung xây dựng hình thành Làng Du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà); Không gian “Đăk Hà ngày mùa” (xã Đăk Mar); các khu du lịch sinh thái như: Thác Đăk Pe (xã Đăk Pxi), thác Đăk Ui (xã Đăk Ui), suối Đăk Lôi (xã Ngọk Réo), khu du lịch H&T Farm (xã Ngọc Wang)… Qua đó, thu hút được sự quan tâm tham quan, trải nghiệm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Trong không gian “Đăk Hà ngày mùa”, sẽ có các hoạt động diễn ra thường xuyên như: tái hiện không gian phiên chợ ngày mùa, trình diễn thời trang thổ cẩm, nghề dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống, trưng bày sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đăk Hà. Đến với không gian “Đăk Hà ngày mùa”, ngoài việc được hoà mình vào bản sắc văn hoá truyền thống của 28 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện, người dân và du khách có thể lựa chọn những sản phẩm nghề thủ công truyền thống, những mặt hàng nông sản sạch và các sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương.
Tại huyện Đăk Glei, từ năm 2023 đến nay huyện đã 2 lần tổ chức thành công chương trình Chợ phiên gia súc – dược liệu biên giới. Mỗi phiên chợ được tổ chức thu hút sự tham gia của hàng chục gian hàng trưng bày giới thiệu, mua bán các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, dược liệu và sản phẩm thủ công truyền thống, mang đậm nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Glei nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đăk Glei, việc tổ chức chợ phiên gia súc – dược liệu là dịp để người dân và các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh Kon Tum kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc hữu, nhất là các sản phẩm về dược liệu và gia súc trên địa bàn, qua đó góp phần đẩy mạnh sự liên kết giữa phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Thời gian qua, thành phố Kon Tum cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đơn cử như việc tổ chức điểm Ngày hội quảng bá, kết nối du lịch, các sản phẩm đặc trưng về nông nghiệp, văn hóa tại xã Ia Chim đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách. Ngày hội đã giới thiệu đến du khách nhiều món ăn đặc trưng mang đặc trưng bản địa, các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng; xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị tiêu biểu, đi đầu phát triển tốt mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với trải nghiệm văn hóa, sinh thái địa phương như: thôn Plei Lay, thôn Nghĩa An, thôn Tân An, thôn Plei Weh, thôn Plei Bur, thôn Plei Druân, thôn Plei Sar, Hội quán Nông nghiệp Du lịch Ia Chim, HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ - Du lịch Ia Chim…
Theo Sở VHTTDL Kon Tum, thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc rà soát, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch nông thôn.
Ngoài các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như: TP. Kon Tum và huyện Kon Plông, các địa phương khác cũng đang xây dựng các mô hình như: phát triển mô hình du lịch làng chài Sê San gắn với bảo tồn nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản (huyện Ia H’Drai); hình thành các điểm du lịch cộng đồng gắn với tour trải nghiệm khám phá vườn sâm Ngọc Linh của người dân, doanh nghiệp (huyện Tu Mơ Rông); huyện Kon Rẫy, Đăk Tô phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với suối, thác, cảnh quan thiên nhiên, các khu di tích, địa chỉ đỏ; huyện Đăk Glei phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với suối, thác, các sản phẩm từ dược liệu, sâm Ngọc Linh…
Bà Bạch Thị Mân, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết, theo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu có ít nhất 5 điểm du lịch nông thôn được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn;
100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; từ 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch…
Bà Mân cho biết thêm, để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật, cách thức quản lý và khai thác để phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân bản địa trong việc làm du lịch, gắn với nâng cao chất lượng sống cho các vùng nông thôn, phát triển cộng đồng dân cư địa phương; đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực du lịch ở các đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực du lịch nông thôn.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bản sắc văn hóa, các điểm đến, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn qua nhiều hoạt động cụ thể, có sức lan tỏa. Qua đó góp phần kết nối, thu hút các nhà đầu tư đến tham quan, tìm hiểu.