A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người viết đa năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết ký, truyện ngắn, làm thơ, viết báo... đều đặn. Tuy nhiên, thể loại làm nên bản sắc, định vị chỗ đứng của Phùng Văn Khai trong dòng chảy văn học đương đại nước nhà là tiểu thuyết, cụ thể là tiểu thuyết lịch sử.

Tiểu thuyết “Ngô Vương” (năm 2018) của anh đoạt giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong những ngày cuối năm 2024, anh đã cho tái bản bộ tiểu thuyết viết về vương triều Tiền Lý gồm: “Nam Đế Vạn Xuân”, “Triệu Vương phục quốc”, “Lý Đào Lang Vương” và “Lý Phật Tử định quốc”.

Bộ tiểu thuyết lịch sử về vương triều Tiền Lý của nhà văn Phùng Văn Khai.

Cả 4 tiểu thuyết đều được viết theo dạng tiểu thuyết chương hồi. Ẩn chứa trong hình hài cổ xưa nhất của tiểu thuyết ấy là một tư duy mới mẻ và những dự định lớn lao của tác giả.
Với 4 tiểu thuyết này, có thể thấy Phùng Văn Khai đang nỗ lực phục dựng cả một giai đoạn quan trọng, rực rỡ của lịch sử nước nhà, nhưng vì nhiều lý do khác nhau hiện nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn, vẫn là khoảng trống trong văn chương nói chung, địa hạt tiểu thuyết lịch sử nói riêng.

Đó không chỉ đơn thuần là tái hiện những bước thăng trầm của một cá nhân anh hùng hay một triều đại mà còn là quá trình phục dựng cả một nền văn minh - văn hóa rực rỡ của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước cả nghìn năm trên tất cả phương diện: Nông nghiệp, tâm linh, quân sự, chính trị, ẩm thực, trang phục, dân gian, cung đình....

Hành trình phục dựng này một mặt tất nhiên phản ánh niềm tự hào dân tộc, ngợi ca tinh thần yêu nước - dựng nước - giữ nước hào hùng của các bậc tiền nhân, mặt khác cũng là tư tưởng chính xuyên suốt các tiểu thuyết lịch sử của anh, đó là truyền đi thông điệp về bản sắc độc đáo, sức sống mãnh liệt và sự bình đẳng của văn hóa Việt, dân tộc Việt đối với các nền văn hóa, các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Viết về một thời kỳ mà chính sử lưu giữ không nhiều, chính những khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu lại là thuận lợi không ngờ tới đối với người cầm bút. Những “khoảng trắng” chính sử không đề cập là mảnh đất màu mỡ để nhà văn phát huy trí tưởng tượng, bồi đắp cho đứa con tinh thần những giá trị lịch sử, giá trị nhân văn, những tình tiết, chi tiết độc đáo không giống với quan niệm của số đông. Xét trên phương diện này, Phùng Văn Khai đã làm tốt. Anh phát huy tối đa trí tưởng tượng, khả năng hư cấu trên cơ sở dã sử để từ đó tạo cho các nhân vật lịch sử của mình sức hấp dẫn riêng.

Các nhân vật trung tâm của 4 cuốn tiểu thuyết là Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử cùng các nhân vật lịch sử khác đều hiện lên một cách “quen thuộc và mới mẻ” trong sự hình dung của bạn đọc nhiều thế hệ. Về phương diện bút pháp, sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa huyền ảo, lãng mạn, hiện thực đã tạo nên những trang viết vừa giàu chất thơ, vừa ngồn ngộn chất đời sống, lại đậm chất thần thoại, truyền kỳ trong 4 cuốn tiểu thuyết có sức níu giữ đôi mắt bạn đọc trên khổ sách dày.

Những điểm trên đem lại cho các tác phẩm của Phùng Văn Khai một sự vạm vỡ, bề thế cần phải có ở thể loại tiểu thuyết lịch sử. Nó cũng phản ánh bút lực sung mãn, dồi dào của Phùng Văn Khai ở một đề tài khó, nhiều gai góc mà chỉ có những người cầm bút thật sự yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu lịch sử mới dám dấn thân.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...