A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Độc lạ loài sinh vật có chất lỏng siêu đắt đỏ, 1 lít hơn 400 triệu đồng, ở Việt Nam có nhiều

Sinh vật này có chất lỏng thuộc loại đắt bậc nhất hành tinh, với giá hơn 400 triệu đồng/lít. Đó là gì?

Sinh vật có chất lỏng siêu đắt đỏ này chính là sam biển. Chất lỏng của sam biển được bán với giá rất cao là máu của chúng. Theo các nhà khoa học, sam biển (Tachypleus tridentatus) là loài động vật chân đốt biển thuộc họ Limulidae. Loài vật này được tin rằng xuất hiện cách đây hơn 450 triệu năm.

Sam biển là sinh vật có hình thù lạ mắt như vỏ cứng như mai cua, nhưng mình tròn dẹt, với đường kính khoảng 20 cm. con sam thường bơi rất chậm và bò như cua. Sam biển hay sống từng cặp cho đến hết đời. Trong đó, sam cái nặng hơn sam đực. Thông thường, sam trưởng thành nặng khoảng từ 1,5 – 2 kg. Người ta thường bắt sam để lấy trứng ăn, do đó hay vứt bỏ sam đực vì chúng không có trứng và nhiều thịt.

Độc lạ loài sinh vật có chất lỏng siêu đắt đỏ, 1 lít hơn 400 triệu đồng, ở Việt Nam có nhiều - Ảnh 1.

Sam biển là sinh vật có ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Miamiherald

Sam biển có mặt ở nhiều nơi trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều vùng biển ở nước ta có sam biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa…

Việc đánh bắt sam được sam biển khá khó. Hơn nữa, sam biển chỉ sống được trong khoảng 3 ngày sau khi đánh bắt nên không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức món ngon từ sam biển.

Độc lạ loài sinh vật có chất lỏng siêu đắt đỏ, 1 lít hơn 400 triệu đồng, ở Việt Nam có nhiều - Ảnh 2.

Sam biển không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà máu của chúng cũng vô cùng quý hiếm và có nhiều công dụng. Ảnh: Sciencetimes

Bên cạnh là hải sản thơm ngon, máu sam biển lại có giá trị rất lớn. Khác với các loài vật khác, máu của sam biển có màu xanh dương vô cùng độc đáo. Máu của loài vật này được coi là một trong những chất lỏng đắt nhất trên thế giới. Cụ thể, theo Business Insider, một gallon (khoảng 3,7 lít) máu của sam biển có mức giá là 60.000 USD (khoảng hơn 1,4 tỷ đồng). Điều này có nghĩa là mỗi lít máu của sam biển có giá là hơn 400 triệu đồng.

Vì sao máu của sam biển lại có giá siêu đắt?

Độc lạ loài sinh vật có chất lỏng siêu đắt đỏ, 1 lít hơn 400 triệu đồng, ở Việt Nam có nhiều - Ảnh 3.

Máu của sam biển được coi là một trong những chất lỏng đắt nhất trên thế giới. Ảnh: BI

Theo các nhà khoa học, sở dĩ máu sam biển có màu xanh đặc trưng như vậy là nhờ chứa đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là đặc điểm thú vị nhất của máu sam biển. Bởi trong máu sam biển có chất làm đông đặc biệt. Chất này được dùng để pha chế thuốc, gọi là Limulus amebocyte lysate (hay LAL).

Trên thực tế, trước khi có LAL, các nhà khoa học không có cách dễ dàng nào để biết về một vaccine hay dụng cụ y tế có bị nhiễm khuẩn, chẳng hạn như E. coli hoặc salmonella hay không. Để kiểm tra, các bác sĩ thường tiêm vaccine vào nhiều con thỏ và chờ triệu chứng xuất hiện.

Tuy nhiên, sau khi LAL được cho phép sử dụng vào năm 1970, hợp chất đặc biệt có trong máu sam biển đã là thay đổi mọi thứ. Theo đó, các chuyên gia chỉ cần nhỏ một giọt nhỏ xíu vào dụng cụ y tế hoặc vaccine, LAL sẽ tiến hành bao phủ mọi vi khuẩn gram âm giống như kén thạch.

Mặc dù hợp chất này không thể giết chết vi khuẩn, nhưng lớp vỏ thạch giống như chuông báo động giúp báo hiệu về sự hiện diện của mầm bệnh có nguy cơ gây bệnh chết người, đồng thời ngăn vi khuẩn lây lan. Bằng cách này, máu sam biển có thể giúp cứu mạng hàng triệu người mỗi năm.

Vì lý do trên, mỗi năm, người ta đánh bắt khoảng 600.000 con sam biển để lấy máu của chúng cung cấp cho các cơ sở chuyên khoa đặc biệt ở Mỹ và châu Á. Mỗi gallon máu sam biển trị giá tới 60.000 USD. Điều này khiến ngành công nghiệp khai thác máu sam trên toàn cầu đạt giá trị 50 triệu USD/năm. Với mỗi con sam biển, người ta chỉ khai thác khoảng 30% máu của chúng. Sau đó, trong vòng 72 giờ, sam biển được đưa trở lại biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi. Tuy nhiên, tỷ lệ sam biển chết trong quá trình khai thác máu lên đến 10 – 30%.

Độc lạ loài sinh vật có chất lỏng siêu đắt đỏ, 1 lít hơn 400 triệu đồng, ở Việt Nam có nhiều - Ảnh 4.

Mỗi năm, có khoảng 600.000 con sam biển bị bắt để lấy máu. Ảnh: Allthatsinteresting

Vào năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa loài sam vào nhóm dễ bị tổn thương trong Sách Đỏ để bảo tồn. Đây được coi là bước đi có ý nghĩa để bảo vệ loài sinh vật đặc biệt này trước tình trạng đánh bắt quá mức làm suy giảm nghiêm trọng về số lượng của quần thể sam biển trên thế giới.

Trên thực tế, một số biện pháp đã được tiến hành để bảo vệ sam biển, chẳng hạn như nghiêm cấm đánh bắt hoàn toàn hoặc chỉ bắt cá thể đực tại những vùng có số lượng sụt giảm nhiều như như New Jersey và Delaware (Mỹ). Ngoài ra, các nhà khoa học đưa ra đề nghị rút ngắn thời gian để tách sam biển ra khỏi nước, đồng thời người đánh bắt phải duy trì nhiệt độ hợp lý trong quá trình vận chuyển để giảm tỉ lệ tử vong ở loài vật này. Mặt khác, các chuyên gia yêu cầu cần tiếp tục theo dõi các cá thể sam biển được lấy máu cho đến khi chúng đủ điều kiện cho lần khai thác sau.

Bài viết tham khảo nguồn: Business Insider, Sciencetimes 

Theo Minh Hằng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...