Đến nơi hẻo lánh nhất thế giới giữa mùa đông, nhiếp ảnh gia mang về 15 bức ảnh gây kinh ngạc
Nhiếp ảnh gia du lịch tiết lộ rằng đây là một trong những khu vực có người ở khó tiếp cận nhất trên thế giới vào mùa đông, song những ai can đảm thực hiện hành trình sẽ được đền đáp bằng những khung cảnh đẹp mê hoặc.
Nhiếp ảnh gia du lịch tiết lộ rằng đây là một trong những khu vực có người ở khó tiếp cận nhất trên thế giới vào mùa đông, song những ai can đảm thực hiện hành trình sẽ được đền đáp bằng những khung cảnh đẹp mê hoặc.
Zanskar là một vùng thung lũng cực kỳ xa xôi nằm ở độ cao khoảng 3.500m - với các đỉnh núi cao trên 7.000m - ở Ladakh, lãnh thổ phía Bắc Ấn Độ. Trong nhiều năm, vào mùa đông, tuyến đường chính đến Zanskar là tuyến đường Chadar dài 64km, đưa những người đi bộ qua dòng sông Zanskar đóng băng. Đây là một đoạn đường cực kỳ nguy hiểm, du khách có nguy cơ gặp tuyết lở, bão tuyết hoặc rơi qua lớp băng vỡ xuống dưới lòng sông.
Di chuyển bằng đường bộ nhìn chung không phải là một lựa chọn tốt nhất do tuyết rơi dày và nguy cơ tuyết lở dù đã có nhiều phương án được thực hiện để đảm bảo an toàn.
Có cách khác để vượt qua đoạn đường đầy gian nan này là đi trực thăng. Đây là dịch vụ mới được triển khai vào năm 2022, đưa đón du khách từ thành phố Ladakh đến thung lũng Zanskar chỉ trong 45 phút.
Nhiếp ảnh gia Andrew Newey, 44 tuổi, đã có chuyến hành trình đến Zanskar vào mùa đông năm 2022, hướng ống kính máy ảnh của mình về phong cảnh và cư dân của khu vực có diện tích 7.000 km2 gần như bị cô lập hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài. Đây là nơi sinh cư của vài chục ngôi làng. Kết quả mà nhiếp ảnh gia Andrew mang về khiến người ta kinh ngạc.
Andrew giải thích: "Việc tiếp cận thung lũng Zanskar vào mùa đông là điều vô cùng khó khăn. Cho đến gần đây, khu vực này vẫn gần như bị cô lập hoàn toàn trong suốt mùa đông. Một trong những thách thức chính là chờ đợi cơ hội để được bay, vì trực thăng chỉ có thể bay vào buổi sáng, khi không có mây trên bầu trời và tầm nhìn tốt. Khung cảnh nhìn từ cửa sổ trực thăng thực sự khá ngoạn mục".
Nhiếp ảnh gia Andrew thấy "những ngọn núi hùng vĩ của dãy Zanskar". Chính những cảnh quan núi non này đã truyền cảm hứng cho chuyến thăm của Andrew. Anh cảm thấy chúng sẽ tạo nên những bức ảnh "vô cùng ấn tượng".
Andrew - người sống ở Dorset (Anh) nhưng đi khắp thế giới với tư cách là một nhiếp ảnh gia - cũng bị thu hút bởi thử thách để tiếp cận vùng đất xa xôi hẻo lánh này. “Nói về mặt nhiếp ảnh, tôi thích sự thử thách”, anh thừa nhận.
"Cuộc sống ở Zanskar rất giản dị, tuy nhiên, tôi đã quen sống với người dân địa phương ở những vùng xa xôi nên đối với tôi, điều này không có gì là đặc biệt. Như ở tất cả những nơi xa xôi trên thế giới mà tôi đã đến thăm, người dân ở đó dường như hoàn toàn hài lòng với những gì họ có", Andrew cho biết.
Anh nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân địa phương. Andrew nói: 'Người Zanskari cực kỳ thân thiện và rất vui vẻ khi được chụp ảnh. Một số người lớn tuổi lúc đầu hơi ngại chụp ảnh, nhưng sau khi tôi sống chung với họ vài ngày, họ nhanh chóng bắt đầu chấp nhận mong muốn của tôi".
Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt là điều cần lưu ý. Vị nhiếp ảnh gia dày dặn kinh nghiệm nói: "Điều kiện ở đó vào mùa đông thực sự khắc nghiệt, đặc biệt khi có gió mạnh. Rất ít khách du lịch đến đó vào mùa đông, vì vậy tất cả các khách sạn và nhà khách đều đóng cửa, phương tiện đi lại trở nên rất khan hiếm và mọi người chỉ có thể ở ẩn cho đến mùa xuân".
Trong chuyến thăm của Andrew, nhiệt độ trung bình trong ngày là khoảng âm 10 độ C, giảm mạnh xuống khoảng -20 độ C đến -25 độ C vào ban đêm.
Anh nói: "Người dân địa phương đã quen với cái lạnh và chỉ dùng chăn để giữ ấm trong những đêm lạnh buốt. Hầu hết mọi người đều có một bếp củi nhỏ để nấu ăn và sưởi ấm trong nhà. Người Zanskari cực kỳ cứng rắn. Sống trong môi trường khắc nghiệt như vậy, họ phải có khả năng thích ứng với những thay đổi của thời tiết".
Andrew cho biết: "Biến đổi khí hậu đang có tác động mạnh mẽ đến khu vực - nhiệt độ ngày càng tăng, gây ra sự tan chảy nhanh chóng của sông băng. Từ đó dẫn đến lũ lụt và hạn hán. Dân làng đang gặp khó khăn trong việc trồng trọt và chăn nuôi".
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các tuyến đường ra vào Zanskar. Andrew nói: "Sông băng không hình thành đúng thời điểm dẫn đến “những con đường băng” trở nên nguy hiểm hơn cho việc đi bộ và vận chuyển các nhu yếu phẩm quan trọng. Tuyết rơi ngày càng nhiều và trở nên thất thường hơn, điều đó có nghĩa là vật nuôi và các động vật khác gặp khó khăn khi tìm thức ăn".
Phật giáo đóng một phần rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày ở thung lũng Zanskar, Điểm nổi bật trong thời gian Andrew ở nơi đây là chuyến viếng thăm Tu viện Phugtal, một tu viện Phật giáo ngoạn mục được xây dựng xung quanh một hang động ở phía đông nam Zanskar từ hơn 2.500 năm trước.
Để đến được tu viện nằm ở độ cao 4.267m, anh phải đi bộ dọc theo dòng sông Lungnak đóng băng, nơi “hoàn toàn bằng phẳng, cực kỳ trơn trượt”.
Andrew cho biết tu viện là nơi ở của khoảng 30 đến 40 tu sĩ vào mùa đông, những tháng ấm áp hơn thì có khoảng 80 tu sĩ. Những tu sĩ trẻ thường “trở về nhà với gia đình” trong kỳ nghỉ đông.
Trong nhiều khung cảnh mà Andrew gặp ở Zanskar, anh nói rằng mình thích nhất là khung cảnh Tu viện Phugtal được nhìn thấy từ con đường dẫn tới đó. Nhiếp ảnh gia nói rằng nhìn từ xa, tu viện trông "giống như một tổ ong khổng lồ bám vào vách đá dựng đứng".
"Trong ánh sáng chiều muộn khi cơn bão tuyết đang đến gần, khung cảnh này thực sự khá kỳ diệu".
Chính sự xa xôi, vẻ đẹp đáng kinh ngạc của những ngọn núi phủ tuyết, sự hào phóng và lòng hiếu khách của người dân đã khiến Zanskar trở nên đặc biệt và huyền diệu", Andrew nhận xét sau chueyens đi.
Giờ đây, khi vùng đất xa xôi này của thế giới đang trở nên dễ dàng tiếp cận hơn, du lịch tăng trưởng sẽ có tác động gì đến Zanskar?
Andrew nói: "Cũng như nhiều nơi trên thế giới, du lịch thực sự là con dao hai lưỡi. Về mặt tích cực, khách du lịch mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho thu nhập của cộng đồng địa phương, nhưng mặt khác tình trạng ô nhiễm gia tăng từ giao thông và rác thải làm mất đi vẻ đẹp, sự bình yên vốn có".
Nguồn: Daily Mail
Theo Minh Nhật