A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn văn hóa Khmer

Những ngày này, trên khắp các phum, sóc của đồng bào Khmer Nam Bộ tràn ngập không khí đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc.

Bà con sum vầy, đến chùa hành lễ, thưởng thức những điệu múa, hát mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh những niềm vui, họ cũng băn khoăn khi giờ đây lớp trẻ ít quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc mà bấy lâu nay thế hệ đi trước gìn giữ. Ngoài ra, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, tác động của văn hóa ngoại lai đã làm một bộ phận thế hệ trẻ dần quên đi chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Xác định công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị và phải được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao theo đường lối nhất quán "các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển", những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer. Nhiều quyết sách đã được ban hành như đầu tư cho việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết, điển hình là xây dựng các trường dân tộc nội trú, đưa môn giáo dục truyền thống, chữ viết vào chương trình giảng dạy... Ngoài ra, ở các ngôi chùa, các trung tâm văn hóa cũng mở ra hàng trăm lớp dạy chữ, dạy các môn nghệ thuật, từ đó nhiều thanh niên nam nữ đã biết viết chữ của dân tộc mình.

Bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc là cả một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai đã đem lại kết quả. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả cộng đồng, hy vọng công cuộc bảo tồn và gìn giữ những nét tinh hoa văn hóa của đồng bào Khmer sẽ đạt được nhiều thành tựu.

NGUYỄN BÁ


Tags: văn hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...