Băng trên đỉnh Alps biến mất, nhiều hài cốt người và xác máy bay lộ ra
Hầu hết sông băng trên khắp thế giới đang thu hẹp dần do biến đổi khí hậu, nhưng tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở dãy Alps, nơi được coi là nóc nhà châu Âu.
Andreas Linsbauer là một nhà nghiên cứu băng. Công việc của ông là đi đến những khu vực hiểm trở trên dãy Alps bên phía Thụy Sĩ để thu thập dữ liệu về những thay đổi ở vùng đất lạnh giá này.
Mặc dù năm nay đã 45 tuổi, ông Linsbauer vẫn nhẹ nhàng lướt đi trên mặt đất phủ đầy tuyết với một chiếc ba lô nặng 10 kg sau lưng. Bên trong chiếc ba lô này chính là tất cả thiết bị ông cần cho công việc của mình: Lập biểu đồ về sự suy giảm các con sông băng của Thụy Sĩ.
Nhà băng học Andreas Linsbauer và trợ lý Andrea Millhaeusler khoan một lỗ tại một điểm đo trên sông băng Pers, gần khu nghỉ mát Alpine ở Pontresina, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters.
Một mùa hè khắc nghiệt
Thông thường, nhà nghiên cứu này sẽ có mặt ở sông băng Morteratsch khổng lồ vào cuối tháng 9 hàng năm, thời điểm được coi là kết thúc mùa hè tan băng trên dãy Alps. Nhưng trong năm nay, lượng băng mất đi lớn một cách bất thường, và ông Linsbauer phải có mặt ở đây sớm hơn gần 2 tháng so với lịch trình, để thực hiện các đo đạc khẩn cấp.
Những chiếc cột mà ông Linsbauer thường sử dụng để đo độ sâu của băng đang bắt đầu lung lay, do băng đã tan quá nhiều, khiến ông phải khoan hố để cắm cột mới.
Dữ liệu được chia sẻ độc quyền với Reuters cho thấy các dòng sông băng trên dãy Alps đang trên đà thu hẹp với khối lượng lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Bằng cách so sánh sự khác biệt giữa lượng tuyết rơi trong mùa đông với lượng băng tan vào mùa hè, các nhà khoa học có thể ước tính mức độ sụt giảm của sông băng trong một năm nhất định.
Mùa đông năm ngoái trên dãy Alps tuyết rơi rất ít, trong khi mùa hè năm nay khu vực này đã trải qua hai trận sóng nhiệt. Nhiệt độ đo được tại làng Zermatt ở dãy Alps bên phía Thụy Sĩ trong tháng 7 vừa qua có lúc lên đến gần 30 độ C.
Trong đợt sóng nhiệt này, độ cao mà ở đó nước đóng băng đạt kỷ lục 5.184 m - tức là cao hơn cả đỉnh Mont Blanc cao nhất dãy Alps. Bình thường thì nhiệt độ đóng băng vào mùa hè trên dãy núi này sẽ bao phủ khu vực cao từ 3.000-3.500 m.
"Đây rõ ràng là một mùa hè khắc nghiệt", ông Linsbauer nói, gần như phải hét lên vì tiếng ồn của các dòng suối hình thành từ nước băng tan chảy.
Hầu hết sông băng trên thế giới - dấu vết còn sót lại của kỷ băng hà cuối cùng - đang dần biến mất do biến đổi khí hậu. Nhưng sông băng trên dãy Alps đặc biệt dễ bị tổn thương hơn do chúng nhỏ hơn về kích thước, và chỉ được bao phủ bởi lớp băng tương đối mỏng. Trong khi đó, nhiệt độ trên dãy Alps đang ấm lên trung bình 0,3 độ C mỗi thập kỷ, nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Alps sẽ mất đi hơn 80% khối lượng vào cuối thế kỷ này. Theo một báo cáo năm 2019 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, xu hướng này là không thể đảo ngược và nhiều sông băng trên dãy Alps sẽ biến mất dù chúng ta có hành động ngay từ bây giờ.
Morteratsch - địa điểm ưa thích của du khách trên dãy Alps - giờ đây đã thay đổi, không còn là dòng sông băng của ngày hôm qua nữa. Dải lụa trắng từng vắt từ đỉnh núi xuống tận thung lũng phía dưới, nay đã ngắn hơn khoảng 3 km, trong khi độ dày của lớp tuyết và băng đã giảm tới 200 mét.
Sông băng Pers trước đây từng kết nối với sông băng Morteratsch, tuy nhiên nó đã ngắn lại và không còn chảy vào Morteratsch nữa. Ảnh: Reuters.
Tình hình u ám trong mùa hè năm nay làm dấy lên quan ngại rằng các dòng sông băng trên dãy Alps có thể biến mất sớm hơn dự kiến. Theo ông Matthias Huss, người đứng đầu tổ chức GLAMOS chuyên theo dõi các dòng sông băng ở Thụy Sĩ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu thời tiết các năm tới lặp lại những gì xảy ra trong năm 2022.
"Chúng tôi đang thấy những dự đoán về điều xảy ra trong hàng thập kỷ tới, lại đang xảy ra ngay vào lúc này. Tôi không nghĩ rằng lại có một năm khắc nghiệt như vậy ngay từ đầu thế kỷ", ông Huss nói thêm.
Sông băng trên dãy Alps sẽ trở thành quá khứ
Các nhà băng học ở Áo, Pháp và Italy đều xác nhận rằng sông băng ở những nước này đang thu hẹp với tốc độ kỷ lục. Ở Áo, những dòng sông băng không còn được bao phủ bởi tuyết nữa, theo ông Andrea Fischer, nhà băng học tại Viện Khoa học Áo.
Tuyết rơi hàng năm không chỉ bổ sung cho lượng băng bị tan chảy vào mùa hè mà còn bảo vệ các dòng sông băng. Lớp tuyết rơi giống như một lớp phủ tự nhiên màu trắng, phản chiếu lại ánh sáng Mặt Trời và giúp băng tan ít hơn. Lớp tuyết trắng này sẽ phản chiếu ánh sáng tốt hơn là lớp băng, vì sông băng thường lẫn lộn bụi đất cũng như các ô nhiễm.
Điều này khiến cho tại một số khu nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ, người dân ở đây đã phải dùng những tấm bạt trắng cỡ lớn để bảo vệ lớp tuyết trước ánh nắng mùa hè.
Các dòng sông băng của Thụy Sĩ xuất hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích, và sự kỳ bí của chúng có thể được coi là một phần của niềm tự hào quốc gia. Dòng sông băng Aletsch của nước này còn được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Tại sông băng Grand Etret ở phía tây bắc Italy, năm nay tuyết chỉ rơi với độ dày 1,3 m, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2 m hàng năm được ghi nhận trong vòng 20 năm qua.
Sự sụt giảm mạnh của lớp băng trên dãy Alps trong năm nay khiến ngay cả các nhà khoa học cũng ngạc nhiên. Nhiều sông băng đã ngắn lại trong những năm qua, chỉ còn tồn tại ở khu vực có độ cao lớn nơi nhiệt độ thấp hơn, vì vậy trên lý thuyết chúng sẽ được bảo vệ tốt hơn.
"Bạn có thể dễ dàng tưởng tượng điều xảy ra vào cuối mùa hè, đó là sự sụt giảm rộng khắp về độ bao phủ của các dòng sông băng trên dãy Alps của Italy", ông Marco Giardino, phó chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu băng Italy, nhận định.
Tốc độ tan chảy chưa từng có tiền lệ của những dòng sông băng trên dãy Alps cũng mang tới những vấn đề mới. Một phần đường biên giới tự nhiên giữa Italy và Thụy Sĩ nằm trên lớp sông băng dày trên đỉnh Alps.
Khi những dòng sông băng này tan chảy cũng có nghĩa là địa hình biến đổi theo, và đường biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia trở nên không còn cố định nữa.
Một phụ nữ đứng chụp ảnh với lá cờ Thụy Sĩ gần đỉnh Piz Palü. Ảnh: Reuters.
Đây là vấn đề không của riêng ai, vì vậy Italy đã ký thỏa với Áo và Thụy Sĩ, lần lượt vào các năm 2006 và 2009, để công nhận đường biên giới trên dãy Alps là một đường biên giới "di động", tức là nó có thể thay đổi nằm ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia.
Một trường hợp hy hữu đã xảy ra khi Rifugio Guide del Cervino, nhà hàng Italy nổi tiếng nằm sát đường biên giới, được xây dựng vào năm 1984 trên lãnh thổ Italy, giờ đã bỗng nhiên thấy mình trên đất Thụy Sĩ.
Lớp băng mỏng đi trên dãy Alps cũng dần làm hé lộ những thi thể người mất tích trong quá khứ, cũng như một xác máy bay rơi từ năm 1968.
Hai nhà leo núi người Pháp đã phát hiện hài cốt người vào ngày 3/8 khi đang khám phá sông băng Chessjen ở bang Valais (Thụy Sĩ), cảnh sát xác nhận hôm 8/8.
Ông Dario Andenmatten, quản lý nhà nghỉ Britannia Hut trên dãy Alps, cho rằng người này có thể chết vào khoảng những năm 1970 hoặc 1980.
Cách đó một tuần, bộ hài cốt khác được phát hiện ở sông băng Stockji gần khu nghỉ dưỡng Zermatt trên núi Matterhorn.
Cảnh sát đang phân tích ADN hai bộ hài cốt trên.
Cảnh sát ở dãy Alps nắm danh sách khoảng 300 người mất tích kể từ năm 1925.
Truyền thông Đức cho rằng bộ hài cốt ở sông băng Stockji là của tỷ phú Karl-Erivan Haub, người đã mất tích khi trượt tuyết vào tháng 4/2018, và được tuyên bố tử vong vào năm 2021.
Tuy vậy, nhà leo núi phát hiện bộ hài cốt trên nói rằng tìm thấy quần áo màu neon "theo phong cách thời trang những năm 80".
Trước đó, vào đầu tháng 8, hướng dẫn viên leo núi Dominik Nellen đã phát hiện mảnh vỡ của một máy bay được xác định đã rơi vào năm 1968.