A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Say” theo câu hát sắc bùa của người Mường ở Hòa Bình

Vào các dịp lễ, Tết, hòa với những tiếng chiêng pôông pêêng, khầm pôông trầm bổng, là những câu hát sắc bùa đầy mê hoặc của người dân tộc Mường ở Hòa Bình trên khắp các bản làng. Nhịp chiêng bay bổng, hòa theo giai điệu trầm mặc, uốn lượn của các câu hát sắc bùa và theo từng bước chân của phường bùa… đã tạo nên dấu ấn riêng, đậm nét văn hóa đặc sắc của người Mường Hòa Bình mà không phải nơi nào cũng có được.

Sắc bùa - đậm đà bản sắc xứ Mường

Cùng với các trò chơi dân gian truyền thống như quả còn tung liệng (ném còn - pv), cây nêu đón rước tổ tiên, thì những giai điệu trong câu hát sắc bùa với nội dung cầu chúc bình an, nhân khang, vật thịnh nhằm đáp ứng nhu cầu của con người trong cả "cõi thiêng" và "cõi tục",… thực sự tạo nên một bản sắc độc đáo, của người Mường ở Hòa Bình và được lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Theo các cụ cao niên tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình), trong tiếng Mường, sắc bùa còn gọi là “xéc bùa” (có nghĩa là xách cồng), đây là phương tiện giao tiếp, là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống có từ lâu đời. Giai điệu, câu hát sắc bùa không chỉ là những câu hát đối đáp, mà còn mang ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ, với mong muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa, gia đình bình an, thịnh vượng.

“Say” theo câu hát sắc bùa của người Mường ở Hòa Bình
Vào các dịp lễ, Tết,.. trên các bản Mường, phường bùa thường đi đến từng nhà hát chúc mừng các gia đình trong bản bình an, nhân khang, vật thịnh...

Đề cập đến nét cuốn hút, đặc sắc trong các làn điệu sắc bùa của người Mường ở Hòa Bình, họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường Hòa Bình cho biết, thực chất nhiều người Mường ở Hòa Bình cũng không biết hát sắc bùa có từ bao giờ, họ chỉ biết rằng đó là một loại hình ca hát kết hợp với diễn xướng dân gian của dân tộc và thường được hát và tổ chức vào mỗi dịp lễ, Tết, đầu xuân,… với những câu hát đối đáp, chúc tụng mang tính khích lệ, tươi vui, cầu chúc cho gia ấm no, bình an và hạnh phúc.

Theo họa sĩ Hiếu, những người hát sắc bùa thường được gọi là phường bùa, họ tụ họp lại vào mỗi dịp lễ, Tết hoặc cuối năm và hình thành từng tốp hát, sau đó đi đến từng nhà hát chúc mừng, chúc Tết vào đầu năm mới. Mỗi phường bùa sẽ phải có một người đứng đầu phường hát và họ gọi những người này là “trùm phường”. Trùm phường thường là những người có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh.

Phường bùa thường có 12 người, tương ứng với một bộ chiêng Mường gồm 12 cái (tượng trưng cho 12 mùa trong năm), trong dàn đánh chiêng sắc bùa phần lớn là phụ nữ. Theo các cụ cao niên kể lại, trước đây các quan lang người Mường thường bắt phụ nữ chưa chồng, xinh đẹp tuyển chọn vào phường bùa. Ngày nay, do sự phát triển của đời sống xã hội, tinh thần, thế hệ trẻ ít người còn đam mê với hát sắc bùa, do đó, phường bùa hiện cũng không còn phân biệt nam nữ, già trẻ, chỉ cần những người có lòng đam mê với văn hóa truyền thống và là những người hát hay, thạo đánh chiêng nhất (chiêng là loại nhạc cụ duy nhất trong cuộc hát sắc bùa).

Khi tập hợp chuẩn bị đến từng nhà hát sắc bùa, hoặc tại các buổi sinh hoạt, lễ, Tết,… trùm phường thường là người ăn mặc khác hơn cả đoàn. Con trai tham gia phường bùa thường mặc áo sáng màu, khoác áo choàng đen hoặc nâu, mặc quần sáng màu và đầu đội khăn nhiễu (khăn quấn tròn quanh đầu, phần đuôi được thả nhiễu xuống cạnh tai - pv); đối với con gái, thì thường bịt đầu bằng một mảnh khăn trắng, mặc chiếc áo cóm truyền thống của phụ nữ Mường, cùng chiếc váy với cạp cao và được thêu các họa tiết thổ cẩm bắt mắt.

Sau khi chỉnh trang đội hát, phường bùa bắt đầu xuất phát từ nhà để cồng chiêng rồi đi đến từng nhà. Trùm phường đi trước, tiếp đến là những người cầm chiêng gióng (chiêng cái), chiêng 5, chiêng 7, chiêng dàm,… phường bùa đi đến đâu là không khí sôi nổi, náo nhiệt đến đó, tới nhà nào họ cũng tấu lên những giai điệu nhạc, nói lời hay, ý đẹp, cầu chúc cho gia chủ một năm ăn nên làm ra, mùa màng bội thu. Tiếng cồng chiêng cứ thế ngân vang khắp bản Mường.

“Say” theo câu hát sắc bùa

Theo chân trùm phường, phường bùa đi khắp những cung đường thênh thang của bản Mường, nối dài từ nhà này với nhà kia, tiếng pôông pêêng, khầm pôông phát ra từ những chiếc chiêng, hòa vào cùng những câu hát sắc bùa làm rộn rã, vui bản, vui Mường. Nhịp chiêng âm vang, bay bổng hòa theo những nét trầm mặc của núi rừng, uốn lượn cùng với phường bùa theo từng bước chân, điều đó làm nên nét riêng về những phường bùa của người Mường ở Hòa Bình; nơi mà bất kỳ ai đã từng được nghe một lần đều ấn tượng về những câu hát sắc bùa, ứng tác lời ca, ứng khẩu với những câu chúc tụng phù hợp với hoàn cảnh mỗi gia đình, mỗi hoạt động văn hóa,...

“Say” theo câu hát sắc bùa của người Mường ở Hòa Bình
Sắc bùa, nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Mường ở Hòa Bình

Kể về phong tục hát sắc bùa truyền thống, bà Đinh Thị Thế (71 tuổi, ở xã Bình Thanh, Cao Phong, Hòa Bình) cho biết, vào các dịp lễ, Tết, phường bùa thường tụ họp ở nơi trung tâm bản, đánh chiêng với âm thanh rộn rã rồi lần lượt đi đến từng nhà trong bản chúc mừng các chủ nhà. Hát xong ở sân, phường bùa chuyển sang hát bài “gọi cửa” chủ nhà với những câu hát đầy ý nghĩa như: “Chúc cho ông trên đụn/ Bà trên nhà/ Hết năm cũ đã qua/ Bước sang năm mới/ Làm nên ăn, giàu có/ Cơm kho, lọ tiếng/ Con cái vương trưởng/Muốn gì được nấy...”.

“Sau khi nghe phường bùa hát, chủ nhà cũng sẽ hát đối lại và mời phường bùa vào hát trong nhà, lời hát như: “Dạ ơn/ Có lòng dạ ơn, phường Bùa đã đến nhà/ Phường bùa quá độ vào nhà/ Mời trầu, mời nước/ Để hát cho vui cửa vui nhà/ Làm ăn khấm khá...”, bà Thế chia sẻ.

Theo lời mời của chủ nhà, phường bùa sẽ lên nhà và cùng chủ nhà quây quần bên vò rượu cần, rồi thưởng thức các món ẩm thực cổ truyền được chủ nhà chuẩn bị sẵn với niềm hân hoan và tình đoàn kết. Trong không khí vui tươi, trùm phường sẽ hát những câu ngợi khen gia đình no ấm và chúc gia chủ may mắn, hạnh phúc... Chủ nhà hát lời đáp lại cảm ơn. Cuộc vui tiếp tục trong hơi men chếnh choáng của rượu cần hòa cùng không khí vui tươi, đầm ấm, thắm đượm tình người,… sau những câu hát, sau hơi men rượu cần, dẫu không muốn rời nhưng phường bùa cũng phải hát lời cảm tạ và tiếp tục đến chúc nhiều gia đình khác trong bản. Trước khi chia tay, gia chủ đem gạo, bánh tặng cho phường bùa để cảm ơn.

Cuốn hút và đời thường, hát sắc bùa thấm vào lòng người nghe và trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân bản Mường mỗi dịp lễ, Tết,… Hiện nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng nếp sống, tập tục và nét văn hóa đặc sắc của hát sắc bùa vẫn được đồng bào Mường ở Hòa Bình lưu truyền, gìn giữ. Và trong các ngày lễ, Tết cũng là dịp để người Mường thể hiện những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa, tâm linh của mình, cầu chúc một năm mới no đủ, mùa màng bội thu. Để rồi trong hơi men chếnh choáng của hương rượu cần, các làn điệu hát sắc bùa hòa cùng tiếng chiêng, tiếng cồng lại rộn ràng khắp các bản Mường, vang vọng núi rừng…

Đỗ Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...