'Báu vật xanh' nghìn năm tuổi còn lại ở Bến En
Ở Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) có một cây lim xanh gần 700 năm tuổi mọc sừng sững giữa đại ngàn, được người dân địa phương xem là báu vật mang lại may mắn.
Trải qua nhiều năm, do khai thác cạn kiệt nên tại Vườn Quốc gia Bến En hiện chỉ còn duy nhất một cây lim cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.
Theo các cụ cao niên trong vùng, không ai biết cây lim trên có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên các cụ đã nhìn thấy “cụ cây” như vậy, và đến nay cây cũng chẳng lớn thêm nhiều. Vậy nên ước tính tuổi đời của “cụ cây” lên tới hàng trăm năm.
"Lim là loại gỗ quý, hiếm. Để bảo vệ, duy trì sự sinh trưởng được một cây Lim như này trên địa bàn là cả một quá trình. Vườn Quốc gia Bến En tự hào về có những cây gỗ quý, hiếm từ thiên nhiên ban tặng, còn sót lại "hàng hiếm" như này thì chúng tôi càng phải bảo vệ nghiêm ngặt hơn, để khách tham quan chiêm ngưỡng mỗi lần qua đây" - một cán bộ kiểm lâm chia sẻ.
Hiện, trên thân cây lim có 2 vết cắt, trong đó một vết khá lớn, ăn sâu vào thân cây. Theo người dân địa phương, các vết cắt trên là những lần "lâm tặc" cố tình tìm cách triệt hạ cây lim.
Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt bảo vệ cây của lực lượng kiểm lâm nên "cụ cây" mới còn tồn tại tới bây giờ.
Hiện nay, cây lim trên được người dân xem là “báu vật” của rừng xanh, bởi sự cổ thụ, quý hiếm và có giá trị lớn. Do đó, “cụ cây” đang được bảo tồn, bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Vườn Quốc gia Bến En đã dựng trạm canh gác cách cây Lim chừng 200m, luôn cắt cử cán bộ tuần tra, kiểm soát khu vực trên và đặc biệt luôn có người giám sát chặt chẽ đối tượng lạ ra vào khu vực trên.
Theo các cán bộ kiểm lâm nơi đây cho biết, trong khu vực Vườn Quốc gia Bến En vẫn đang còn nhiều cây gỗ quý có giá trị lớn về mặt kinh tế và nguồn gen quý. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ luôn được đặt lên trên hết để duy trì sự sinh trưởng của các loài thực vật trong Vườn Quốc gia Bến En được phong phú, đa dạng.
Hà Anh