A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam tiếp tục có 6 tỷ phú USD năm 2024, giới "siêu giàu" ngày càng nhiều

Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2024, trong đó Việt Nam vẫn có 6 đại diện. Ngoài ra, người siêu giàu ở Việt Nam ngày càng nhiều.

Danh sách 6 tỷ phú thế giới của Việt Nam năm 2024 gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Tổng cộng 6 tỷ phú USD Việt Nam có khối tài sản theo bảng xếp hạng 2024 của Forbes đạt 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 12,6 tỷ USD cùng thời gian này năm ngoái.

Đáng chú ý, ngoài ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương ghi nhận tài sản giảm, các tỷ phú Việt Nam còn lại đều ghi nhận tài sản tăng hơn so với năm 2023.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu 4,4 tỷ USD, tăng 0,1 tỷ USD so với năm ngoái và đây cũng là năm thứ 12 ông góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản 2,8 tỷ USD, tăng từ 2,2 tỷ USD năm trước. Bà hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, Phó Chủ tịch và CEO Hãng hàng không VietJet Air.

Tỷ phú Trần Đình Long sở hữu 2,6 tỷ USD, tăng so với 1,8 tỷ USD so với năm ngoái và ông hiện là người giàu thứ 1.286 thế giới.

Tỷ phú Hồ Hùng Anh lần thứ 6 góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới. Ông hiện sở hữu khối tài sản 1,7 tỷ USD.

Tỷ phú Trần Bá Dương hiện sở hữu 1,2 tỷ USD, giảm 0,3 tỷ USD so với năm ngoái. Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) do ông thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe buýt, xe tải thương hiệu Việt.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách năm thứ 4 liên tiếp. Tài sản của ông hiện được Forbes đánh giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục có 6 tỷ phú USD năm 2024, giới
Việt Nam tiếp tục có 6 tỷ phú USD năm 2024, giới "siêu giàu" ngày càng nhiều

Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt còn đối mặt với nhiều khó khăn khi sức cầu tiêu dùng giảm sút. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vẫn trầy trật với gánh nặng nợ nần và khó bán hàng, đặc biệt các loại sản phẩm không thiết yếu như shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng. Các doanh nhân ngành bán lẻ, sản xuất kinh doanh ô tô… cũng gặp khó.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá có triển vọng sáng hơn so với đa số các nước khác trên thế giới. Số lượng người siêu giàu được dự báo gia tăng mạnh hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh), số người siêu giàu ở Việt Nam trong năm 2023 tăng 2,4% so với năm trước đó lên 752 người. Tốc độ gia tăng này khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Người siêu giàu là những cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên (khoảng 750 tỷ đồng tính theo tỷ giá 25.000 đồng/USD của Vietcombank). Theo Knight Frank, tới năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu.

Tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt so với thế giới và tầng lớp trung lưu tăng mạnh.

Danh sách người siêu giàu Việt không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD, trong đó có 6 tỷ phú USD nói trên.

Toàn thế giới năm 2024 ghi nhận con số kỷ lục với 2.781 tỷ phú, nhiều hơn 141 người so với năm ngoái. Tài sản của họ cũng nhiều nhất từ trước đến nay, ước tính 14.200 tỷ USD.

Người giàu nhất thế giới hiện là Chủ tịch kiêm CEO LVMH - Bernard Arnault với 233 tỷ USD. Theo sau là CEO Tesla Elon Musk với 195 tỷ USD, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos (194 tỷ USD) và Giám đốc Công nghệ hãng phần mềm Oracle Larry Ellison (107 tỷ USD).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan