PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Một kỷ nguyên tất yếu, khác biệt và đầy tươi sáng
Những thành tựu quan trọng của nước ta đã đạt được cùng những vận hội mới đang dẫn dắt dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định đó là “kỷ nguyên vươn mình”.
Chủ động tận dụng sức mạnh thời đại đồng thời tự trang bị cho mình những hành trang mới để vượt qua thách thức, chớp lấy thời cơ “vươn mình” sẽ đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu chúng ta hướng tới. Liên quan đến vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
- “Kỷ nguyên vươn mình” là khái niệm mới đang được dư luận trong nước cũng như quốc tế đặc biệt quan tâm khi nói đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, ông có thể làm rõ hơn khái niệm này?
- Kỷ nguyên mang một nội hàm lớn, nói đến một thời đại khác đầy triển vọng, một thời kỳ phát triển khác biệt và đầy tươi sáng cũng như bao hàm kỳ vọng vào sự vượt bậc của Việt Nam. "Kỷ nguyên vươn mình" là từ định hình rất hay và chuẩn xác. Trước nay chúng ta vẫn đang phát triển, 40 năm đổi mới đã có những thành tựu to lớn nhưng chưa hết tầm, chưa đúng tầm, chưa xứng với những thành tựu Việt Nam có thể đạt được. Các giai đoạn trước là sự chuẩn bị cho kỷ nguyên hiện nay đạt tầm vóc mới, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Một quỹ đạo phát triển mới đang định hình.
“Kỷ nguyên vươn mình” bao hàm cả ý nghĩa chúng ta có thể trỗi dậy lại. Mục tiêu phát triển đã có nhưng giai đoạn trước, tiềm năng của chúng ta chưa được giải phóng, lợi thế chưa được tận dụng tối đa. Chúng ta phải thay đổi cách phát triển của mình, cách phát triển kiểu cũ không đủ để bảo đảm thành công trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở cửa, hội nhập sâu nên cần gắn với xu thế chung, tư tưởng phát triển kiểu cũ của 40 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu nhưng thời đại ngày nay nếu tiếp tục đi theo hướng cũ, chúng ta không thể tận dụng sức mạnh thời đại để bứt phá, vươn mình.
Với một nước có khát vọng phát triển như Việt Nam, chúng ta xác lập “kỷ nguyên vươn mình” nghĩa là chúng ta đã nhận diện được những thách thức chưa từng có trước đây, thách thức mang tính sinh tử của thời đại, thách thức xứng tầm với trí tuệ Việt Nam. Vì thế, ý nghĩa của khái niệm “kỷ nguyên vươn mình” đã truyền đi cảm hứng mạnh mẽ, cổ động lớn cho sự phát triển của Việt Nam.
- Trong một thế giới đầy biến động hiện nay, cần nhận diện những thách thức và thời cơ nào để giúp Việt Nam “vươn mình” thành công, thưa ông?
- Liên kết mạnh lên nhưng xung đột cũng tăng lên, đây chính là thách thức lớn nhất của loài người, đương nhiên trong đó có Việt Nam. Lựa chọn một “cách chơi” hay kiên định một lập trường phù hợp cho sự phát triển của riêng quốc gia trong một thế giới bất ổn như hiện nay là một thách thức sinh tử.
Phát triển xanh cũng là một thách thức lớn khác để hòa nhập vào xu thế phát triển chung của thế giới. Bài toán này cũng mang tính sinh tử, sai vô cùng khó sửa hoặc nếu phải sửa thì chi phí rất cao. Kinh tế số và kinh tế xanh đang khẳng định một kỷ nguyên hoàn toàn mới của loài người. Thời đại gắn với trí tuệ nhân tạo (AI) là một thời đại khác biệt, mang đến một logic hoàn toàn mới, không phải là sự tiến triển tuần tự hay theo hứng khởi mà là cú nhảy vọt bất thường, thay đổi toàn bộ cục diện.
Hiện nay, trên phương diện toàn cầu, kinh tế số và kinh tế xanh không còn là sự lựa chọn mà là điều bắt buộc. Ngay bây giờ, nếu không tham gia vào các chuỗi - mạng toàn cầu thì khó có thể nhập cuộc. Hoặc nếu không có mạng lưới kết nối, Việt Nam khó có thể tận dụng AI một cách hiệu quả. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tham gia vào chuỗi - mạng này như thế nào? Tham gia với tư cách đi sau, ăn theo hay là dẫn dắt, trở thành một nhân vật không thể thay thế?
Thời đại hiện nay đã khác hẳn về công nghệ, thời đại dựa chủ yếu vào trí tuệ con người, trí tuệ sáng tạo chứ không phải chỉ dựa vào sức lao động giá rẻ hay cơ khí, tài nguyên, nguồn lực tài chính. Tương quan lực lượng trên thế giới thay đổi rất nhanh dựa trên nền kinh tế số. Trong khi đó, trí tuệ sáng tạo của người Việt Nam trong chiến tranh bộc lộ rất tốt nhưng thời bình thể hiện chưa thật sự xuất sắc để tạo ra sự xoay chuyển về công nghệ. Hiện nay nguồn lực quan trọng phải là nguồn lực số, chính nó đã giúp các tập đoàn lớn hay những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trỗi dậy rất mạnh. Ngoài ra, sự xung đột, nguy cơ dân số giảm hay biến đổi khí hậu khiến thế giới luôn trong tình trạng bất ổn. Có thể thấy rõ những vấn đề tác động đến sự phát triển của loài người, của mỗi quốc gia trong thời đại này đều trở nên khác thường… Những thách thức này đặt Việt Nam vào tình thế buộc phải đối đầu để giải quyết nếu muốn phát triển, phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, ngay bên trong những thách thức này cũng đã tiềm ẩn những thời cơ lớn. Giải quyết được những bài toán đặt ra, đối diện với những thách thức cực lớn xứng tầm với trí tuệ Việt Nam, chúng ta sẽ tạo ra những kỳ tích như trong các cuộc chiến tranh vệ quốc chúng ta đã làm được. Là một đất nước đang phát triển, chúng ta có thể tận dụng sức mạnh thời đại, “đi tắt đón đầu” dư địa phát triển của chúng ta còn rất tốt.
- Theo ông, những đột phá về nhận thức giúp Việt Nam “vươn mình” trong kỷ nguyên mới là gì?
- Khi xác lập kỷ nguyên vươn mình là chúng ta đã nhận thức được những “nút thắt”, những hạn chế trong cách phát triển cũ đang kìm hãm sự phát triển vượt bậc và có khát vọng thay đổi cấu trúc phát triển mới. Đây là bước đột phá lớn nhất về nhận thức. Không thể diễn mãi những vang dội của bài ca chiến thắng trong chiến tranh, kỷ nguyên vươn mình chính là “điểm chuyển” thay đổi tâm thế, phương thức để thay đổi cấu trúc phát triển.
Cách tiếp cận phương thức phát triển mới đã xuất hiện trong một số lĩnh vực mũi nhọn. Ví dụ như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch toàn tuyến là những điểm mới trong công tác quy hoạch. Rồi quy hoạch hạ tầng kết nối đồng bộ sân bay, cầu, cảng biển… Dù chưa có một quy hoạch thực sự hoàn hảo nhưng cách tiếp cận này là một sự thay đổi trong nhận thức rất lớn, vượt ra khỏi những tư duy trói buộc kiểu cũ.
Hay hiện nay Quốc hội, Chính phủ đã cho phép một số địa phương có cơ chế đặc thù để phát triển vượt trước, trao quyền thật sự cho chính quyền cấp tỉnh theo phương châm địa phương “tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm”. Điều này thể hiện chúng ta đã nhận ra cơ chế chung đang trói buộc sự phát triển và từng bước tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, việc này đang thí điểm thận trọng để tiến tới triển khai đồng bộ.
Một dấu hiệu đột phá nữa trong nhận thức là Chính phủ trở thành Chính phủ kiến tạo, Nhà nước phục vụ, nỗ lực trên tinh thần cầu thị, vì tương lai cởi bỏ những trói buộc trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Chính phủ. Một ví dụ điển hình gần đây nhất như Quy hoạch điện lực quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện VIII) sau 15 tháng có hiệu lực, để bảo đảm cung ứng điện hiệu quả, sau khi Bộ Công Thương đề xuất, Chính phủ sẵn sàng điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
Xác lập tầm nhìn với những cam kết toàn cầu mạnh mẽ, đáp ứng với nhu cầu thời đại cũng là bước đột phá trong cấu trúc phát triển mới, như cam kết Net Zezo vào năm 2050, cam kết đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển với thu nhập cao… với những chỉ tiêu cụ thể. Tôi hy vọng, Đại hội lần thứ XIV của Đảng tới đây, chúng ta tiếp tục xác lập được những cam kết mang tính sát sườn hơn nữa, “thực chiến” hơn nữa, cụ thể hơn nữa của Đảng với dân, của Việt Nam với thế giới. Việc đặt ra những mục tiêu không có tính cam kết cần được loại bỏ để xác lập những cam kết có tính khả thi mà nếu không làm được nhân dân sẽ phán xét, thế giới sẽ nhìn vào.
Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến phát triển hạ tầng số, kinh tế số, AI, cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là việc khuyến khích phát triển theo chuỗi, theo tập đoàn lớn; năng lượng tái tạo; phát triển chíp bán dẫn...; từng bước tạo ra động lực mới cho phát triển bằng cách phát huy nội lực Việt Nam, đồng thời tận dụng nguồn lực từ người Việt ở nước ngoài. Đồng thời, cần thu hút, khuyến khích đóng góp của lực lượng doanh nhân, khoa học công nghệ cao. Hiện nay, lực lượng này không hề nhỏ và họ sinh sống tại những trung tâm phát triển công nghệ cao của thế giới như Mỹ, Pháp, Anh… Mỗi cá nhân này là một nút sức mạnh để kết nối Việt Nam ra thế giới. Chúng ta cần ý thức được đầy đủ vai trò của cách “đánh mượn sức” khi Việt Nam đi sau, cần tận dụng, cộng hưởng được kinh nghiệm, sức mạnh của các quốc gia đã phát triển.
Vượt qua tư duy phát triển kiểu cũ, tự chiến thắng chính mình luôn là việc không dễ dàng. Thông điệp về một phương thức phát triển mới đã hiện diện nhưng cần được tiếp tục hoàn chỉnh, đồng bộ. Quá trình "vươn mình" chắc chắn đòi hỏi nguồn lực lớn về nhân lực, tài chính… nhưng bước đầu với những đột phá mang tính nền tảng cơ bản như trên, chúng ta có cơ sở tin rằng Việt Nam sẽ vươn mình thành công.
- Trân trọng cảm ơn ông!