A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm: Gắn bó với cải lương từ lúc hoàng kim đến lúc lắng trầm

Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm là kép chính, thường đóng cặp với các nữ diễn viên sáng giá thời đó như Kiều Thu, Thanh Kim Lệ, Thanh Hằng… trong những vở diễn đình đám mà khán giả muốn xem phải xếp hàng mua vé từ sớm. Đây cũng là thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương...

Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm sinh ra trong gia đình mà ông bà, bố mẹ đều theo nghệ thuật. Hơn 10 tuổi, anh đã được lên sân khấu diễn vai trẻ con. Rồi, những ngày tháng học phổ thông, cứ nghỉ hè anh lại được đi theo đoàn hát của bố mẹ và ông bà nội, ngoại.

Thời đó, ông ngoại có một đoàn hát tuồng cổ tên là Đồng Thinh. Sau này, chị gái của Vũ Linh Tâm cũng thành lập thêm một đoàn hát nữa. Thế nên ngày thiếu niên, anh thường đi theo đoàn hát vào biểu diễn tại các ấp chiến lược. Khi bố mẹ mất, anh về hoạt động tại đoàn văn công xã.

Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm

Vũ Linh Tâm là kép chính thường đóng cặp với các nữ diễn viên sáng giá

Khi chưa đến đôi mươi, thời đó có rất nhiều đoàn cải lương hoạt động sôi nổi, Vũ Linh Tâm đã tham gia biểu diễn thường xuyên. Năm 1976, có thông tin thành lập một đoàn nghệ thuật do nhà nước quản lý, cậu bé Tâm lúc đó 16 tuổi đã đăng ký thi tuyển với vai diễn Tiết Đinh San trong trích đoạn tuồng cổ nổi tiếng. Vai diễn đã được các giám khảo của Ty Văn Hóa đánh giá cao và chàng trai họ Vũ được coi là diễn viên triển vọng. Vậy là sau nhiều năm bôn ba cùng các đoàn hát tư nhân, anh trở thành diễn viên một đơn vị công lập.

Song cũng thời điểm này, Đoàn hát bội Đồng Thinh do mẹ ông kế thừa từ ông ngoại đang hoạt động khá sôi nổi. Vì thế, sau khi có quyết định thành lập một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thì Đoàn hát bội Đồng Thinh được chuyển thẳng về cho Nhà nước quản lý và được đổi tên thành Đoàn nghệ thuật cải lương Bông Hồng Vàng. Lúc này, Vũ Linh Tâm đang ở độ tuổi đẹp để lên sân khấu hát và diễn, vì thế vở diễn nào của Đoàn, anh cũng tham gia. Anh đã kinh qua hầu hết các dạng vai trên sân khấu từ trẻ con, thanh niên đến trung niên, ông già, từ vai phụ đến vai chính, từ chính diện đến phản diện.

Những năm đó, Đoàn biểu diễn cải lương tuồng cổ rất mạnh. Vũ Linh Tâm là kép chính thường đóng cặp với các nữ diễn viên sáng giá thời đó như Kiều Thu, Thanh Kim Lệ, Thanh Hằng… trong những vở diễn đình đám mà khán giả muốn xem phải xếp hàng mua vé từ sớm. Đây cũng là thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các sân bãi có thể dựng rạp biểu diễn đều sáng đèn hàng đêm, thậm chí một ngày có từ 2 đến 3 suất diễn.

Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm là kép chính thường đóng cặp với các nữ diễn viên sáng giá thời đó trong nhiều vở diễn đình đám, khán giả muốn xem phải xếp hàng mua vé từ sớm

Đặc biệt, Đoàn nghệ thuật cải lương Cửu Long và Đoàn Bông Hồng Vàng là hoạt động mạnh nhất. Không chỉ là một kép chính nổi bật, Vũ Linh Tâm còn được bầu làm phó trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật cải lương Bông Hồng Vàng từ năm 1979.

Năm 1982, chàng kép Vũ Linh Tâm được cử tham gia tập huấn lớp đào tạo về đạo diễn và quản lý sân khấu. Nhớ lại thời điểm này, nam nghệ sĩ thừa nhận, mình quá may mắn khi được học nhiều người thầy nổi tiếng đến từ Hà Nội với vốn kiến thức sâu, rộng về sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung như NSND Đình Quang, NSND Nguyễn Đình Nghi… Anh luôn biết ơn những giáo viên đã truyền dạy nhiều điều hay trong việc quản lý nâng tầm sân khấu. Trong lớp cũng có nhiều người thầy nổi tiếng như Kim Cương, Bạch Tuyết. Lớp tập huấn không chỉ mang đến cho anh nhiều kiến thức về chuyên môn sân khấu mà còn cả về quản lý tài chính. Kết thúc lớp tập huấn, Vũ Linh Tâm được bổ nhiệm làm trưởng đoàn.

Nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật cải lương và hát bội

Năm 1992 tỉnh Cửu Long chia làm hai: Vĩnh Long và Trà Vinh. Đoàn cải lương Cửu Long được đưa về Trà Vinh còn đoàn Bông Hồng Vàng ở lại Vĩnh Long. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự xâm lấn ồ ạt của phim ảnh nước ngoài, đặc biệt những bộ phim dài tập như “Võ Tắc Thiên”, Tây du ký”, cải lương đang từ giai đoạn thịnh vượng bỗng dưng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đã gặp khó khăn và thưa vắng dần khán giả. Đây cũng chính là thời điểm đi xuống của nghệ thuật cải lương.

Các đoàn cải lương gặp khó khăn, nhiều đoàn phải giải thể vì không có khán giả. Lúc này Đoàn cải lương Bông Hồng Vàng cũng đứng trước nguy cơ giải tán vì ở trong hoàn cảnh tự thu, tự chi. Không muốn mất chốn đi về của các đồng nghiệp, nghệ sĩ Vũ Linh Tâm đứng ra xin nhận lại đoàn cải lương Bông Hồng Vàng và được Ty Văn hóa đồng ý sang nhượng. Vậy là từ một kép chính, nam nghệ sĩ đã trở thành ông bầu.

Vì trước đây, Đoàn Bông Hồng Vàng hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước nên đôi khi bị ép vào khuôn khổ. Khi nghệ sĩ Linh Tâm nhận thanh lý và trở thành ông chủ thì anh linh hoạt hơn. Nam nghệ sĩ đã mời những đồng nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh về biểu diễn như Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Phụng, Châu Thanh, Cẩm Tiên, Ngọc Huyền… Được sự ủng hộ của các đồng nghiệp nổi tiếng nên dù đang thời kỳ khó khăn, Bông Hồng Vàng vẫn biểu diễn rất thành công những vở diễn đã là truyền thống của Đoàn từ ngày mới thành lập như “Hồn thiêng sông núi”, “Người đẹp vườn dâu”, “Tình yêu đại nghĩa”, “Nguyễn Huệ bình Thăng Long”…và giữ chân được khán giả.

Nghệ sĩ Linh Tâm còn dàn dựng thêm những vở diễn như “Tô Ánh Nguyệt”, “Nhân danh công lý”, “Bàn thờ tổ của một cô đào”… Đây đều là những vở diễn nổi tiếng ăn khách thời điểm đó và cũng thuộc hàng kinh điển của cải lương Việt Nam. Đó cũng là thời điểm thịnh vượng của cải lương Bông Hồng Vàng và cũng là thời kỳ đỉnh cao của Linh Tâm. Nhờ cải lương, anh đã có thể mua sắm nhà cửa, xe cộ với một cuộc sống khá đoàng hoàng. Bà xã của Linh Tâm cũng là một diễn viên. Tuy nhiên sau khi sinh đứa con thứ ba thì chị từ giã sàn diễn để về chăm lo cho gia đình.

Với những cống hiến trong việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật cải lương và hát bội, năm 2014, nghệ sĩ Vũ Linh Tâm được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian ưu tú. Anh cũng đang làm hồ sơ đề nghị được tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống tỉnh Vĩnh Long.

Đến năm 2000 thì tình hình thực sự khó khăn, nhiều đêm diễn gần như không có khán giả cộng với công việc gia đình, con cái, nam nghệ sĩ cảm thấy không thể đảm đương nổi vị trí ông bầu một đoàn hát nên đã xin nghỉ. Đoàn cải lương Bông Hồng Vàng chính thức giải thể, dù Linh Tâm vẫn còn đang ở thời kỳ sung sức.

“Thực sự, khi đó cũng chẳng còn cách nào có thể cứu vãn. Đoàn Bông Hồng Vàng chưa phải là quá thua lỗ nhưng hôm được hôm không. Dù rất muốn vẫn phải chia tay, anh em nghệ sĩ mỗi người đi mỗi ngả. Cải lương đang thời kỳ xuống dốc nên không ai xin chuyển sang đơn vị bạn được, mà phải tìm cho mình một con đường khác để sinh sống” – nghệ sĩ Linh Tâm nhớ lại một giải đoạn buồn.

Dù nghệ thuật có lúc thăng, lúc trầm, song các con, thậm chí cháu nội của Linh Tâm cũng theo nghề cha ông. Các con anh lớn lên trong môi trường nghệ thuật nên hiểu rất rõ nghề. Vậy là gia đình đã năm đời theo nghệ thuật. Nghệ sĩ Linh Tâm không chỉ hát cải lương mà còn hát bội, không chỉ làm diễn viên mà còn đạo diễn, họa sĩ, tác giả sáng tác kịch bản. Ông bảo, miền Nam có rất nhiều nghệ sĩ tài giỏi nên ông đã may mắn học hỏi và tập tành làm tất cả mới được như ngày hôm nay.

Vũ Linh Tâm là nghệ sĩ được kết nạp hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sớm nhất Vĩnh Long. Khi không còn hoạt động, anh chuyển về Hội văn học nghệ thuật tỉnh và nằm trong Ban chấp hành suốt bốn nhiệm kỳ. Anh vẫn thường được Sở Văn hóa Thông tin cử đi hát những chương trình lễ hội ở địa phương.

Năm 2007, Vũ Linh Tâm cùng một số nghệ sĩ của tỉnh được mời sang Mỹ biểu diễn trong chương trình Lễ hội dòng sông Mê Kông kết nối. Chuyến đi dài 26 ngày và anh đã diễn trích đoạn “Tiết Giao đoạt ngọc” đủ 24 suất, thành công hơn cả mong đợi. Năm 2010, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nam nghệ sĩ cũng được mời ra thủ đô biểu diễn 10 đêm. Tuy ít biểu diễn nhưng chàng diễn viên thuở nào vẫn truyền nghề cho các diễn viên trẻ. Nhiều học trò của anh đã thành danh trong các cuộc thi chuyên nghiệp. Với anh, trách nhiệm nặng nề nhất bây giờ là phải gìn giữ nghệ thuật cải lương và hát bội bằng cách dạy cho các thế hệ trẻ hát, diễn như cha ông ngày trước.

Với những cống hiến trong việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật cải lương và hát bội, năm 2014, nghệ sĩ Vũ Linh Tâm được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian ưu tú. Anh cũng đang làm hồ sơ đề nghị được tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống tỉnh Vĩnh Long.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...