A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đào Tấn, bậc đại nhân thơm danh hậu thế

Câu thơ trong bài thơ “Hành bộ ngẫu đắc” (Đi công cán hứng viết), Đào Tấn viết trên đường công cán ở cương vị Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh), nguyên văn chữ Hán “Thanh khoáng ngâm hoài tự thử trung” được nhà thơ Xuân Diệu dịch là “Trong sạch lòng thơ với nước non”, có thể được coi là câu thơ gói gọn cả một đời làm người và làm nghệ thuật vì nước non của Danh nhân văn hóa Đào Tấn.

Thanh khoáng-trong sạch, chắc chắn là chí hướng sống trọn đời của Đào Tấn (tên thật là Đào Đăng Tấn, sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ, tức 3-4-1845). Ông đặt tên hiệu là “Mộng Mai” (giấc mộng hoa mai), khi sống ông luôn muốn là một đóa mai (mai hảo ưng như cựu); còn khi chết, ông “ưng hữu mai hoa tác mộng hồn” (ước hồn hóa thành đóa hoa mai).

Nếu danh sĩ Cao Bá Quát “nhất sinh đê bái thủ mai hoa” (một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai), thì Đào Tấn muốn loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao, trong sạch của con người luôn ở trong giấc mộng mình, luôn trong tâm hồn mình. 

Cảnh trong vở tuồng cổ "Sơn hậu" được Đào Tấn chỉnh lý, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định biểu diễn. Ảnh: TUỆ LINH

Đào Tấn đã để lại cho hậu thế một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 1.000 bài thơ, từ và ông còn là nhà lý luận sân khấu đầu tiên của Việt Nam với công trình “Hý trường tùy bút” cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Nghiên cứu thơ và từ của ông, các học giả Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi, các nhà thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Thanh Thảo... đều coi Đào Tấn như một nhà thơ, một nhà từ khúc lớn, một trong những nguyên súy của thi đàn Việt Nam.

Nhà thơ Xuân Diệu đã rất tinh tế khi nhận xét rằng lời nhân vật Tiết Cương trong tuồng “Hộ sanh đàn”: “Thế sự đoản ư xuân mộng/ Nhân tình bạc tợ thu vân/ Nghiến răng cười, cười cũng khó khăn/ Ôm lòng chịu, chịu càng vui sướng” cũng chính là tâm sự của ông quan Đào Tấn, nói lên sự chủ động lớn lao của một người chấp nhận việc làm quan như sự hy sinh “nếm mật nằm gai” vì đại nghĩa ấy của mình là một niềm vui, một hạnh phúc. Riêng về sự liêm chính, vị thượng quan Đào Tấn đã xứng đáng là một chính khách mẫu mực, một tấm gương sáng cho các chính khách muôn đời.

Tiếp kiến Đào Tấn tại dinh tổng đốc ở Vinh năm 1902, thời Thành Thái, Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp đã viết: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân” (L’Empire d’Annam, trang 468, Vương Hồng Sển dịch).

Một thế kỷ qua, Đào Tấn đã được coi là bậc “hậu Tổ” của nghệ thuật tuồng, một quốc bảo của văn hóa dân tộc, người đã đưa nghệ thuật tuồng lên những đỉnh cao chói lọi, với hơn 100 vở tuồng như: “Hộ sanh đàn”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”, “Diễn võ đình”...

Những vở tuồng của Ðào Tấn để lại trong lòng quần chúng nhiều điển hình nhân vật không phai mờ về những con người bất khuất, không chịu đầu hàng trước những điều bất công. Ông cũng đã lên án mạnh mẽ cái xấu xa của bọn vua, quan phong kiến với những suy nghĩ rất mới mẻ, gần với chủ nghĩa hiện thực. Đào Tấn vừa là người bảo vệ truyền thống, vừa là người phát huy và cách tân tuồng truyền thống.

Nhân dân đam mê tuồng Đào Tấn không chỉ bởi màn lớp tuồng ly kỳ, lý thú, diễn viên hát hay, múa đẹp mà còn bởi họ tìm được ở đó nhiều giá trị nhân văn. Bước vào thế giới nghệ thuật của Đào Tấn, nhân dân tìm được những gì họ mong ước. Đó là sự bình đẳng trong quan hệ nam nữ; công bằng giữa kẻ đúng, người sai; không phân biệt sang-hèn, giàu-nghèo...

Nếu như nam anh hùng có Tiết Cương, Kim Lân, Quan Vũ, Trương Phi... thì nữ kiệt cũng có Lan Anh, Dương Tú Hà, Phương Cơ, Xuân Hương, Bích Hà... Đào Tấn mong lấy nghệ thuật làm cho con người hoàn thiện hơn và sống tốt hơn.

Đến nay đã có 10 thế hệ tiếp nối phong cách tuồng của Đào Tấn. Họ đang là diễn viên trụ cột của các đoàn tuồng khắp cả nước. Nghệ thuật sáng tác cũng như kỹ thuật biểu diễn tuồng của Đào Tấn đã trở thành cổ điển, mẫu mực. Hai nhà soạn tuồng nổi tiếng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Quảng Nam và ở Huế đều kế thừa phương pháp nghệ thuật Đào Tấn.

Năm 2025 cũng ghi dấu mốc 25 năm Giải thưởng Đào Tấn (do Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi xướng từ năm 2000) tôn vinh các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho tiến trình giao lưu, hội nhập văn hóa đất nước trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-nghệ thuật truyền thống.

Nhà nghiên cứu văn hóa NGUYỄN THẾ KHOA


Tags: Đào Tấn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...