A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công chúa thầm lặng của hoàng gia Anh

Từ thời trẻ, Công chúa Anne đã nổi tiếng là một người độc lập trong phong cách làm việc, chăm chỉ trong trong thực hiện bổn phận và luôn sẵn sàng đón nhận nghĩa vụ hoàng gia.

Trên đời này có một nghĩa vụ vĩ đại mà nhiều người con, vào một lúc nào đó, sẽ phải làm cho cha mẹ: Nghĩa vụ đưa tiễn họ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Với nhiều người, họ đảm nhận nhiệm vụ đó trong thầm lặng, tránh xa ánh mắt mọi người. Nhưng với Công chúa Anne thì khác.

Trong vài ngày gần đây, thông tin về việc Nữ hoàng Elizabeth II mong muốn con gái duy nhất của bà đóng vai trò chính trong việc hộ tống linh cữu của mình đã được lan truyền rộng rãi.

Điều này như một sự lặp lại vai trò của chính cố nữ hoàng trong chuyến hành trình cuối cùng của vua George VI, khởi hành từ Sandringham, Norfolk vào năm 1952, theo BBC.

Mong ước của cố nữ hoàng phản ánh niềm tin về sự cần mẫn và tinh thần trách nhiệm của công chúa. Đồng thời, điều này cũng cho thấy cả gánh nặng mà Vua Charles III phải đối mặt trong những ngày đầu trị vì.

Trong vòng 24 giờ sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, cuộc đời của Vua Charles III đã xoay chuyển. Điều này đòi hỏi ông phải cân bằng giữa nỗi đau cá nhân với nghĩa vụ với quốc gia.

Nu hoang Anh bang ha anh 2

Công chúa Anne nhìn linh cữu người mẹ quá cố. Ảnh: Reuters.

Công chúa chăm chỉ

Sau khi nữ hoàng từ trần, Công chúa Anne (72 tuổi), trẻ hơn vị tân vương 21 tháng tuổi, ở lại Lâu đài Balmoral ở Scotland, chuẩn bị hộ tống linh cữu của cố nữ hoàng bắt đầu hành trình cuối cùng quay về London

Ở chặng đầu tiên, Công chúa Anne đã hộ tống linh cữu nữ hoàng trong cuộc hành trình kéo dài 6 giờ từ Lâu đài Balmoral đến Điện Holyroodhouse.

Ở một chừng mực nào đó, hành trình ấy đòi hỏi công chúa giữ kín những cảm xúc đau đớn cho riêng mình. Nhưng khi Công chúa Anne khuỵu gối trước linh cữu ở Điện Holyroodhouse, gương mặt bà vẫn không giấu được cảm xúc.

Hôm 12/9, Công chúa Anne tiếp tục nghĩa vụ. Lần này, bà đi sau đoàn rước linh cữu nữ hoàng đến Nhà thờ St. Giles. Sau đó, tại nơi đặt linh cữu cố nữ hoàng, công chúa trở thành thành viên nữ đầu tiên của hoàng gia tham gia nghi lễ đứng gác bên linh cữu.

Việc Công chúa Anne đứng trang trọng trong bộ quân phục danh dự của Hải quân Hoàng gia Anh cho thấy bà là công chúa được nuôi dưỡng trong thời hiện đại, ngang hàng với các anh em trai của mình.

Hôm 13/9, rời Scotland, Công chúa Anne hộ tống linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II đến Điện Buckingham - nơi tổ chức đầy đủ các nghi thức và thủ tục của lễ tang cấp nhà nước.

Hầu như không ai ngạc nhiên trước vai trò nổi bật của Công chúa Anne trong lễ tang nữ hoàng, bởi công chúa được biết đến là một người không lẩn tránh nghĩa vụ.

Nu hoang Anh bang ha anh 3

Công chúa Anne đón linh cữu mẹ đến Điện Holyroodhouse. Ảnh: PA.

Trong nhiều năm, Công chúa Anne và Thái tử Charles được công chúng đánh giá là người xứng đáng giữ danh hiệu thành viên hoàng gia chăm chỉ nhất.

Vào năm 2021, bà đã thực hiện 387 sự kiện chính thức, nhiều hơn gấp hai lần so với Thái tử Charles khi đó.

Bà đã thực hiện gần 500 chuyến thăm nước ngoài, trong đó có 49 chuyến thăm Đức. Bà cũng là người bảo trợ cho 300 tổ chức từ thiện. Công chúa Anne bắt đầu hợp tác với tổ chức Save The Children từ năm 1970, theo BBC.

Ngay cả trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, bà vẫn làm việc, thăm và quảng bá hình ảnh cho một trung tâm xét nghiệm di động.

Việc thoát ra khỏi hình tượng của một nàng công chúa nhu mì trong truyện cổ tích đã giúp bà vượt qua vụ bắt cóc bất thành vào năm 1974.

Trả lời người dẫn chương trình Michael Parkinson, Công chúa Anne cho biết bà đã từ chối đi cùng kẻ bắt cóc dù nghi phạm đã nổ súng khiến cận vệ của bà cùng hai người khác bị thương.

"Chúng tôi đã có nói chuyện về việc chúng tôi sẽ đi hay không đi những nơi đâu", bà hồi tưởng. "Tôi đã rất lịch sự vì tôi nghĩ rằng thật là ngớ ngẩn nếu hành xử quá thô lỗ trong hoàn cảnh như vậy".

Tuy nhiên, theo báo cáo chính thức của chính phủ dựa trên hồ sơ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh, những lời bà đã nói với nghi phạm là: "Không đời nào".

Công chúa độc lập

Ngoài sự chăm chỉ, Công chúa Anne từ lâu được biết đến là một người có tinh thần độc lập - điều thường khó thấy trong phong thái làm việc của các thành viên hoàng gia.

Năm 1971, khi mới 21 tuổi, Công chúa Anne đã giành được huy chương vàng môn cưỡi ngựa tại giải European Eventing Championships. Cùng năm đó, bà được vinh danh là gương mặt thể thao của năm trên đài BBC.

5 năm sau, bà đại diện Anh tham gia thế vận hội tại Montreal (Canada).

"Tôi xem đó là một cách để chứng minh rằng bạn có điều gì đó không phụ thuộc vào gia đình. Thành công hay thất bại là do bạn", Công chúa Anne nói.

Cách tiếp cận cuộc sống theo hướng đó cũng giúp công chúa vượt qua bài kiểm tra lái xe hạng nặng, cho phép bà lái xe ngựa mà không cần sự giúp đỡ của tùy tùng.

Khi tuổi tác không cho phép bà tiếp tục theo đuổi môn cưỡi ngựa, bà chuyển sang quản lý trang trại Gloucestershire của mình.

Khi làm khách mời cho tạp chí Country Life nhân dịp sinh nhật lần thứ 70, bà đã chỉ trích thực trạng đang xảy ra ở một số vùng nông thôn. Bà kêu gọi phải hành động nhiều hơn nữa để cung cấp nhà ở cho người dân địa phương, những người "không theo kịp thị trường".

"Tất cả (những giải pháp cải thiện đời sống người dân) đều có thể tạo nên sự khác biệt", bà viết.

Nu hoang Anh bang ha anh 5

Năm 1976, Công chúa Anne đại diện Anh tham gia thế vận hội tại Montreal (Canada). Ảnh: BBC.

Đối với những người theo dõi Công chúa Anne, cuộc đời bà mang đậm dấu ấn của một người phụ nữ tập trung vào các giải pháp thực tế. Bà đã không để con mang tước vị hoàng gia với hy vọng chúng có thể có một cuộc sống bình thường.

Thái độ luôn sẵn sàng làm việc của Công chúa Anne có thể tiếp tục được nhìn thấy trong những ngày tang lễ sắp tới. Thái độ đó vẫn sẽ được phát huy tích cực như lần đầu tiên được thể hiện vào tháng 9/1969.

Khi đó, mới 18 tuổi, bà đã tham gia sự kiện chính thức đầu tiên của mình thay mặt Nữ hoàng Elizabeth II. Lần ấy, bà đã khai trương một trung tâm đào tạo lái xe buýt hai tầng gần Shrewsbury, Shropshire.

Đây là nhiệm vụ đầu tiên trong số hàng nghìn nhiệm vụ mà Công chúa Anne thay mặt Nữ hoàng Elizabeth II thực hiện.

Và nhiệm vụ cuối cùng của công chúa với người mẹ quá cố của mình đang ở trước mắt bà.

Bản thân công chúa cho biết được đồng hành cùng mẹ trong những chặng đường cuối cùng là một "vinh dự và đặc ân".

Và khi tang lễ kết thúc, một chương mới trong cuộc đời phụng sự của Công chúa Anne sẽ bắt đầu. Công chúa sẽ là người cố vấn và ủng hộ đức vua, cũng như tiếp tục xắn tay áo và bắt đầu những nhiệm vụ mới.


Tác giả: Hồng Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...