A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng trai Mê Linh say mê với nghề làm “hoa bất tử”

Được biết đến là thủ phủ của các loài hoa, những năm gần đây, các loại hoa như hoa hồng, hoa cúc, hoa ly… của huyện Mê Linh đang được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng vì màu sắc đẹp, mẫu mã, kiểu dáng đa dạng. Với mong muốn hỗ trợ người dân địa phương trong tìm đầu ra cho sản phẩm và lưu giữ vẻ đẹp của các loài hoa, anh Đinh Văn Tuấn (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đã “bén duyên” với nghề làm “hoa bất tử”.

Chúng tôi may mắn có cơ hội được gặp và trò chuyện với anh Đinh Văn Tuấn tại chương trình trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP bên lề Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh Tuấn là một chàng trai trẻ, làn da ngăm và có nụ cười sáng. Ánh mắt của anh Tuấn khi trò chuyện về những sản phẩm "hoa bất tử" dường như cho chúng tôi thấy về tình yêu, sự say mê của anh với nghề.

Chia sẻ về mối duyên gắn bó với nghề làm “hoa bất tử”, anh Tuấn cho biết, anh có một người bạn rất yêu hoa. Chị bạn này thường xuyên mua hoa về cắm làm đẹp không gian sống. Tuy nhiên, bình hoa cắm xong chỉ chơi được vài ngày, sau đó lại phải đem bỏ rất lãng phí. Mong ước của cô bạn đó là những bông hoa tươi sẽ để được lâu, vừa có thể ngắm vẻ đẹp của hoa vừa để tiết kiệm chi phí mua hoa. Từ suy nghĩ của cô bạn, anh Tuấn hiểu rằng, đây cũng chính là suy nghĩ và mong muốn của rất nhiều người yêu hoa.

Chàng trai Mê Linh say mê với nghề làm “hoa bất tử”
Chân dung chàng trai trẻ Đinh Văn Tuấn.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn sinh sống và làm việc tại địa phương, anh Tuấn nhận thấy giá hoa của địa phương chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài. Dù có thời gian chăm sóc, đầu tư khá lớn, song câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa đều không thể tránh khỏi. Chính từ những yếu tố trên đã thôi thúc chàng trai trẻ phải làm gì đó để hỗ trợ người nông dân cũng như hiện thực hóa giấc mơ của những người yêu hoa. Sau thời gian dài trăn trở, suy nghĩ, anh Tuấn đã nảy ra ý tưởng làm “hoa bất tử” và bắt đầu đi tìm hiểu về cách làm sản phẩm này.

“Khi quyết định làm “hoa bất tử”, mong muốn của tôi khi đó là góp sức lực nhỏ bé của mình để tiêu thụ sản phẩm hoa cho bà con nông dân địa phương. Ban đầu còn nhiều khó khăn do lượng đơn hàng còn ít, chưa có nhiều khách hàng biết tới. Song tôi vẫn quyết định gắn bó và hi vọng rằng, sản phẩm “hoa bất tử” của tôi sẽ được khách hàng cả nước biết tới, từ đó khẳng định chất lượng và đưa thương hiệu hoa Mê Linh đi xa hơn.” - anh Tuấn chia sẻ.

Mong muốn là vậy, tuy nhiên, để làm ra một sản phẩm “hoa bất tử” phải trải qua rất nhiều công đoạn. Anh Tuấn chia sẻ, thời gian để xử lý một bông hoa tươi thành “hoa bất tử” mất khoảng hơn 20 ngày. Các công đoạn gồm có: Chọn vườn và cắt hoa (công đoạn này cần lưu ý thời điểm cắt hoa phải lựa chọn thời điểm bông hoa nở đẹp nhất). Những bông hoa sau khi cắt sẽ được vận chuyển về xưởng và chọn ra những bông hoa không bị giập nát để ủ cát, ủ nhiệt độ ổn định trong vòng từ 7 - 10 ngày. Sau đó, hoa sẽ tiếp tục được ủ với hạt chống ẩm để hút hết hơi ẩm đảm bảo hoa khô 100%. Khâu cuối cùng cũng là khâu khó nhất là tỉa cánh hoa và cắm hoa vào bình thủy tinh và dán keo thật kín.

Chàng trai Mê Linh say mê với nghề làm “hoa bất tử”
Chàng trai Mê Linh say mê với nghề làm “hoa bất tử”
Một số sản phẩm "hoa bất tử" từ hoa hồng và hoa sen tươi của anh Tuấn.

“Trong quá trình làm “hoa bất tử”, công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ và khéo léo, song công đoạn đưa hoa vào bình rất quan trọng và phải cẩn thận hơn vì công đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo quản hoa. Với công đoạn này, tôi sử dụng công nghệ để hút hết không khí và hơi ẩm bên trong lọ hoa và dán chặt lọ, không để không khí tiếp xúc với hoa. Từ đó, các loại hoa sau khi xử lý cho vào bình có thể bảo quản lên tới thời gian là 20 năm.” - anh Tuấn nói.

Với những ai đã, đang gắn bó với nghề làm “hoa bất tử”, việc giữ màu sắc cho hoa như ban đầu là việc rất khó. Với hoa cúc thì việc này lại càng khó hơn. Thế nhưng, khó khăn đó không làm chùn bước chàng trai trẻ Đinh Văn Tuấn. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi, anh Tuấn đã thêm được sản phẩm hoa cúc vào trong bộ sản phẩm “hoa bất tử” của mình.

“Nếu như ở xã Mê Linh trồng nhiều hoa hồng thì xã Đại Thịnh có rất nhiều hoa cúc, do dó, tôi cũng muốn lưu giữ vẻ đẹp của hoa cúc lâu nhất có thể. Để có bình hoa cúc chuẩn màu, thẩm mỹ cao, tôi chọn giống hoa cúc kim cương và hợp tác với người dân trồng hoa này, đảm bảo nguồn nguyên liệu luôn sẵn có. Những sản phẩm làm từ hoa cúc kim cương của tôi đều được khách hàng yêu thích và đánh giá cao.” - anh Tuấn chia sẻ.

Thời điểm hiện tại, anh Tuấn đang sản xuất gần chục loại “hoa bất tử”. Các loại hoa gồm có: hoa hồng, hoa sen, hoa súng, hoa lan, hoa cẩm tú cầu, hoa cúc… Ngoài ra, anh Tuấn cũng thường xuyên tìm tòi, sáng tạo từ đó tạo ra nhiều sản phẩm “hoa bất tử” mới, đa dạng hóa các sản phẩm tới tay khách hàng.

Theo tìm hiểu, các sản phẩm “hoa bất tử” của anh Tuấn có các mức giá khác nhau. Các sản phẩm hoa được chứa trong bình nhỏ nhất có giá khoảng 200 nghìn đồng/sản phẩm; các sản phẩm được chứa trong bình to dao động từ 7-8 triệu đồng/sản phẩm. Mỗi tháng, xưởng sản xuất của anh Tuấn bán khoảng 700-800 sản phẩm. Doanh thu đem lại từ 50-60 triệu đồng/tháng.

Chàng trai Mê Linh say mê với nghề làm “hoa bất tử”
Anh Tuấn giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại chương trình trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP bên lề Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X.

Là một người trẻ năng động, anh Tuấn cũng đã tạo dựng đầu ra cho sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau. Cùng với kênh tiêu thụ là các đại lý, anh Tuấn còn tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng như tiktok, zalo, facebook... Vừa qua anh Tuấn cũng đã xuất khẩu thành công nhiều lô hàng ra nước ngoài và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Từ đam mê của bản thân, anh Tuấn cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động. Hiện tại anh Tuấn có hơn 20 công nhân làm việc tại xưởng. Những công nhân này không chỉ là lao động tại địa phương mà còn có cả những người khuyết tật. Thu nhập trung bình của mỗi công nhân là 5-6 triệu đồng/tháng; với những thợ cắm có kinh nghiệm, anh Tuấn trả lương dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về định hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới, anh Tuấn cho biết, cùng với phát triển thị trường trong nước, anh sẽ mở rộng thị trường nước ngoài vì đây là thị trường tiềm năng. Hiện nay, sản phẩm “hoa bất tử” anh đang bán có giá cao nhất là khoảng 8 triệu đồng, trong tương lai, anh sẽ nghiên cứu và làm thêm các sản phẩm khác biệt, chất lượng để tăng giá trị sản phẩm, từ đó khẳng định chất lượng, giá trị của hoa Mê Linh.

Lương Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...