A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Trị: Lời thề giữ rừng - “rừng tàn thì làng mạt”

Giữa vùng đồng bằng Quảng Trị khắc nghiệt, nơi gió Lào bỏng rát và những trận bão biển dữ dội, vẫn còn một cánh rừng nguyên sinh tồn tại bền bỉ suốt hàng chục năm qua. Người dân nơi đây đưa ra hương ước với lời thề giữ rừng: “rừng tàn thì làng mạt”.

Tổ tuần tra do những người dân xã Vĩnh Long thành lập kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Ảnh: Khánh Anh

Người dân nơi đây gọi cánh rừng rộng hơn 44ha với bằng cái tên dân dã “trằm Vĩnh Long”, rừng nằm trải dài bên Quốc lộ 1A, thuộc thôn Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh. Cánh rừng này không chỉ là chứng nhân của thời gian, mà còn là bức bình phong che chở cho làng, bảo vệ nguồn nước và cuộc sống của bao thế hệ.

Hương ước giữ rừng

Những bậc cao niên trong làng kể rằng, từ thuở lập làng, rừng đã có mặt. Trong lòng trằm, vẫn còn đó ngôi mộ cổ của vị tiền nhân khai khẩn, như một biểu tượng thiêng liêng về cội nguồn. Thuở xưa, rừng còn trải dài đến tận bờ biển, hòa vào hệ sinh thái Truông Nhà Hồ, một tuyến đường thiên lý Bắc - Nam huyết mạch trong lịch sử. Những tán cây cổ thụ vươn cao, che chắn những cơn gió cát hung dữ, giữ cho nguồn nước không bao giờ khô cạn.

Cánh rừng nơi đây không chỉ là tấm chắn thiên nhiên mà trong chiến tranh, cánh rừng này còn trở thành nơi trú ẩn, là trận địa pháo, nơi họp bí mật, cất giấu lương thực và vũ khí. Bom đạn chiến tranh đã tàn phá rừng, để lại những hố bom còn in dấu đến tận ngày nay. Thế nhưng, giống như người dân kiên cường tái thiết quê hương sau đổ nát, cánh rừng cũng hồi sinh một cách mạnh mẽ, tiếp tục chở che cho cuộc sống của bao thế hệ.

Trong ký ức của ông Trần Đức Vĩnh (70 tuổi, người dân xã Vĩnh Long), khu rừng này có từ thuở xa xưa lập làng. Hầu như tuổi thơ của mỗi đứa trẻ vùng đất này đều gắn liền ký ức với cánh rừng này, đó là những buổi trưa hè vào rừng lấy củi, nhặt hạt dẻ hay hái nấm quanh những gốc cây già.

Nhờ hương ước của làng mà đến nay hàng chục héc ta rừng nguyên sinh vẫn được gìn giữ, bảo vệ qua bao thế hệ. Ảnh: Khánh Anh

“Cây rừng không chỉ đứng đó để ngăn bão, chắn gió cát. Mỗi gốc cây, tán lá đều mang lại giá trị cho con người. Trong lòng rừng, có những loài cây quý như dẻ, bời lời, hậu phát, trâm, bứa... Những cây dẻ cổ thụ phủ đầy rêu xanh, vào mùa quả chín, hạt dẻ rụng đầy dưới gốc. Mỗi năm, người dân lại vào rừng nhặt hạt dẻ, hái nấm mối - một món quà quý giá từ thiên nhiên”, ông Vĩnh cho biết.

Để bảo vệ rừng, các bậc cao niên trong làng đã có những hương ước để mỗi người từ già đến trẻ phải có trách nhiệm giữ rừng. Ông Vĩnh cho biết, mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều phải giáo dục con cháu không được chặt phá cây rừng. Nếu ai vi phạm, đốn cây hay chặt củi, sẽ bị phạt bằng lúa gạo.

Nhờ được bảo vệ cẩn thận, rừng không chỉ cung cấp nhiều sản vật quý như hạt dẻ, nấm, thảo dược mà còn giữ cho mạch nước tưới tiêu của 40ha lúa nước ở thôn Thượng Hòa luôn dồi dào, chưa từng cạn kiệt. Ngoài ra, rừng còn cung cấp bổi – lớp lá cây dùng làm phân bón, giúp đất đai thêm màu mỡ, đồng thời là nguồn nguyên liệu để chế tạo nông cụ như cán cuốc, xẻng, cày, bừa, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Giữ rừng cho muôn đời sau

Đặc biệt, rừng còn là kho dược liệu tự nhiên. Những cây mật nhân, chạc chìu, khổ sâm, sâm cau… từng bị khai thác bừa bãi nhưng nay đang dần hồi sinh. Đây là những vị thuốc quý được dân gian truyền tụng, có khả năng chữa các loại bệnh khác nhau. "Trước đây, nhiều người ở nơi khác lén vào đào trộm cây thuốc, nhưng nhờ ý thức gìn giữ của dân làng, những loài thảo dược này đang dần trở lại," ông Vĩnh chia sẻ.

Theo chân ông Vĩnh đi dọc theo con đường mòn giữa tán rừng – nơi những cây dẻ cổ thụ phủ đầy rêu xanh đang cho vụ quả chín rụng đầy dưới gốc. Thi thoảng trong rừng, chúng tôi bắt gặp những người dân kéo nhau vào nhặt hạt dẻ hay hái nấm mối. Phần mang về làm quà, phần đem bán tạo nên nguồn thu nhập cho gia đình.

Theo các nhà nghiên cứu, dù không còn rộng như trước, nhưng cánh rừng ”trằm Vĩnh Long” vẫn giữ những nét hoang sơ của loại hình rú cát. Nơi đây chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú với tầng cây gỗ trong thảm thực vật có đường kính từ 6 - 25cm, chiều cao từ 6 - 11m.

Trong đó có các loài cây họ Sồi dẻ gồm các loài Sồi dẻ, Dẻ ăn quả; họ Long não gồm các loại Hậu phát, Bời lời, Chập chại; họ Sim gồm các loại Trâm; họ măng cụt gồm có Rõi mật, Bứa… Trong thảm thực vật tự nhiên trên cát có các loài động vật như: Rắn, chồn, sóc, bìm bịp, cu đất, họ chim sâu.

Cánh rừng đa dạng các loại động, thực vật đặc trưng của loại rừng cát Việt Nam. Ảnh: Khánh Anh

Tuy nhiên, không phải lúc nào rừng cũng được bảo vệ tuyệt đối. Trước đây, tình trạng chặt cây lén lút vẫn xảy ra. Để kiểm soát tốt hơn, chính quyền xã đã giao rừng cho Hợp tác xã Thượng Hòa quản lý. Những tổ tuần tra được thành lập, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.

Ông Trần Đức Hoàn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thượng Hòa, cho biết: "Rừng là sinh kế, là tương lai của dân làng. Việc bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là ý thức của mỗi người dân. Bởi chúng tôi hiểu rằng: Nếu mất rừng, làng cũng chẳng còn. Thế nên lời thề giữ rừng “rừng tàn thì làng mạt” luôn được chúng tôi giáo dục, nhắc nhở cho con, cháu để cánh rừng xanh mãi cho muôn đời sau”.

Nhìn cánh rừng xanh mướt trải dài, tiếng chim hót vang vọng giữa không gian tĩnh lặng, người ta mới thấm thía giá trị của thiên nhiên. Đó không chỉ là một cánh rừng, mà còn là một di sản sống, là bức bình phong vững chãi che chở cho bao thế hệ, và là minh chứng cho sự gắn kết bền chặt giữa con người và thiên nhiên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...