A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đợt rét kỷ lục, nhiệt độ xuống thấp chưa từng có trong mùa đông năm nay bao giờ kết thúc?

Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, phải sau ngày 28/1, tình trạng rét đậm, rét hại mới được cải thiện, nhiệt tăng.

Đợt rét kỷ lục còn kéo dài trong nhiều ngày tới

Ngày 24/1, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, dưới tác động của không khí lạnh mạnh cùng với dòng gió mạnh trên tầng khí quyển, từ ngày 22/1 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng với mức nhiệt quan trắc được dưới 10 độ là phổ biến, hiện tượng băng giá xuất hiện ở nhiều nơi.

Đợt rét kỷ lục, nhiệt độ xuống thấp chưa từng có trong mùa đông năm nay bao giờ kết thúc? - Ảnh 1.

Băng giá phủ kín đỉnh núi Phia Oắc (Bao Bằng) - nơi có độ cao 1.900 m so với mực nước biển. Ảnh: TH Cao Bằng

Hôm nay (24/1), không khí lạnh tăng cường mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Nam Trung Bộ.

Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét hại, khu vực Trung Trung Bộ trời rét, phía Bắc có nơi rét đậm. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 8-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-11 độ; khu vực Trung Trung Bộ phía Bắc từ 12-15 độ, phía Nam 16-19 độ.

Nhiệt độ được cập nhật lúc 6h sáng 24/1 còn thấp hơn hôm qua, trong đó, đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) xuống -2,5 độ, gần như phá kỷ lục về nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông năm nay.

Một số khu vực vùng núi cao có điểm du lịch nổi tiếng như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 2,1 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 1,6 độ, Sa Pa (Lào Cai) 2,7 độ, Trùng Khánh (Cao Bằng) 3,2 độ, Mộc Châu (Sơn La) 3,7 độ.

Các tỉnh, thành khu vực đồng bằng hầu hết có nền nhiều dưới ngưỡng 10 độ như: Hải Phòng 8,3 độ, Quảng Ninh 7,8 độ, Hải Dương và Hưng Yên cùng 8,2 độ; riêng Hà Nội hôm nay hạ 0,7 độ so với 6h sáng hôm qua, ở mức 9,2 độ.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, theo dự báo, tình trạng rét hại diện rộng này sẽ duy trì trong vài ngày nữa.

Khu vực Bắc Bộ duy trì nhiệt thấp dưới 13 độ đến ngày 26/1, khu vực Trung Bộ sẽ duy trì rét hại đến ngày 25/1.

Sau đó, từ ngày 25-28/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm rét hại. Phải sau ngày 28/1, tình trạng rét đậm rét hại mới được cải thiện, nhiệt tăng.

Trong đợt rét này, khu vực Bắc Bộ có nhiệt độ thấp nhất duy trì từ 7-10 độ, vùng núi phía Bắc nhiệt phổ biến dưới 5 độ, vùng núi cao dưới 0 độ, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiệt độ thấp nhất từ 9-11 độ. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, nhiệt thấp nhất từ 12-15 độ C, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi trời chuyển rét.

Theo đại diện cơ quan khí tượng, tất cả các đài khí tượng khu vực sẽ đều quan trắc nhiệt độ lúc 6h sáng hàng ngày để thông tin đến người dân được biết. Nhiệt độ lúc 6h sáng sẽ được công bố trên các phương tiện truyền thông, qua đó người dân có thể tham khảo cho trẻ đến trường hay không.

Ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo: “Với diễn biến rét đậm rét hại sẽ ảnh hưởng đến con người và cây trồng, vật nuôi. Trong những ngày rét đậm rét hại không được sưởi ấm bằng than tổ ong vì có thể ngây ngạt, ngộ độc. Các khu vực nuôi trồng cần được che chắn, giữ ấm cho cây trồng và gia súc. Rét đậm rét hại kèm theo sóng lớn ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy hải sản, người dân rất cần phải lưu ý”.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sức khỏe người dân trong đợt rét đậm, rét hại kỷ lục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Công điện nêu rõ: Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và sản xuất nông nghiệp.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa đông năm 2023 - 2024.

Đợt rét kỷ lục, nhiệt độ xuống thấp chưa từng có trong mùa đông năm nay bao giờ kết thúc? - Ảnh 3.

Người dân chủ động các biện pháp ứng phó với đợt rét hại mạnh nhất trong mùa đông. Ảnh: VTV

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…

Chủ tịch UBND các tỉnh chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế.

Các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét.

Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu Bộ này chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.

Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động tích cực, triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại, băng giá...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...