Biến đổi khí hậu đã thay đổi bản đồ phân bố kỳ nghỉ toàn cầu như thế nào?
Đối với nhiều người khá giả, tác động rõ ràng đầu tiên của việc nhiệt độ tăng cao sẽ là sự thay đổi địa điểm nghỉ dưỡng của họ.
Năm 1975, Rudi Carrell - một người Hà Lan – đã trở thành ngôi sao trên truyền hình Đức, khi gây được tiếng vang với bài hát "Mal Wieder Richtig Sommer" (tạm dịch: Bao giờ mùa hè sẽ thực sự trở lại) của Wann Wird với những câu từ như: "Khi bạn không cần tắm hơi / Khi cừu vui vẻ được cạo lông / Một mùa hè như ngày xưa / Có nắng từ tháng 6 đến tháng 9 / Không quá ẩm ướt và đậm chất Siberia như năm ngoái…"
Theo tờ Financial Times, người dân ở các vùng khí hậu lạnh giá phía bắc đã khao khát có được mùa hè nóng bức ít nhất là từ năm 1923, khi các nhà hoạt động xã hội người Mỹ Gerald và Sara Murphy phát minh ra cách tắm nắng ở French Riviera.
Một sự đồng thuận dần xuất hiện xung quanh điểm khí hậu lý tưởng: một bãi biển, bầu trời đầy nắng và nhiệt độ khoảng 25 độ C.
Nhưng kể từ đợt nắng nóng năm 2019, mùa hè đã biến đổi từ "thứ đáng thèm muốn" trở thành "thứ đáng sợ". Châu Âu - nơi đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu - có mùa hè nóng nhất từ trước đến nay vào năm 2022, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2021 – tất cả đều xảy ra trước khi thế giới bước vào chu kỳ khí hậu El Nino nóng hơn. Không có bãi biển nào thú vị ở nhiệt độ 40 độ C với những đám cháy rừng ở phía chân trời.
Một bản đồ phân bố kỳ nghỉ toàn cầu mới sẽ xuất hiện
Đối với nhiều người khá giả, tác động rõ rệt đầu tiên của biến đổi khí hậu là họ sẽ phải thay đổi địa điểm nghỉ dưỡng. Xét cho cùng, việc đó dễ dàng hơn thay đổi địa điểm sinh sống. Việc đi nghỉ làm thay đổi khí hậu (giao thông du lịch hiện gây ra khoảng 5% lượng khí thải), đồng thời chính hoạt động này cũng bị thay đổi bởi khí hậu. Khi đại dịch Covid-19 nhường chỗ cho thời kỳ bùng nổ du lịch, một bản đồ phân bố kỳ nghỉ toàn cầu mới sẽ xuất hiện nhanh chóng.
Hiện tại, tấm bản đồ này bị chi phối bởi các bãi biển. Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Cambridge (Anh) cho biết: "Du lịch ven biển là cấu thành lớn nhất của ngành du lịch toàn cầu, với hơn 60% người châu Âu chọn các kỳ nghỉ trên bãi biển, và phân khúc này chiếm hơn 80% doanh thu du lịch của Mỹ."
Một số điểm đến ven biển như Maldives và Caribbean sẽ biến mất dưới những con sóng. Ở Địa Trung Hải cũng vậy. Đặc biệt là ở bờ biển châu Phi, nước biển dâng đang làm xói mòn các bãi biển. Các bãi biển cũng đang nóng lên đến mức không thể chịu nổi.
Theo tờ Financial Times, xu hướng hiện tại là đi nghỉ tại những bãi biển ở miền bắc Tây Ban Nha, Normandy, Anh và Scandinavia mát mẻ hơn, trước khi những nơi này cuối cùng cũng sẽ trở nên quá nóng. Alaska và sắp tới là Bắc Cực có thể trở thành thiên đường mùa hè lâu dài hơn.
Một xu hướng khác có thể xảy ra: Mùa hè sẽ mất đi vị trí là mùa du lịch cao điểm. Đầu tiên, nó sẽ ngày càng trở nên quá nóng để đi du lịch một cách thoải mái. Thứ hai, ngày càng có nhiều người không sinh con, sẽ không bị ràng buộc bởi những kỳ nghỉ hè dài ngày vào giữa hai năm học. Thứ ba, khi du lịch bùng nổ, các điểm đến phổ biến sẽ hết chỗ vào mùa cao điểm.
Cũng theo tờ Financial Times, kỳ nghỉ trượt tuyết vào mùa đông cũng sẽ dần lụi tàn. 40% các chuyến du lịch trượt tuyết trên thế giới hiện nay là đến dãy núi Alps, nhưng nơi đây đang thiếu tuyết, và đó là một trong những lý do chính khiến hàng trăm khu nghỉ dưỡng phải đóng cửa. Hầu như tất cả các sông băng Alpine có thể biến mất trong thế kỷ này.
Tiến sĩ Zeng Xubin của Đại học Arizona (Mỹ) viết rằng, tại Mỹ, ở một số khu nghỉ dưỡng, mùa trượt tuyết rút ngắn lại trung bình 34 ngày từ năm 1982 đến năm 2016. Các thị trấn trượt tuyết đã bắt đầu cố gắng biến mình thành điểm đến đi bộ đường dài và đi xe đạp vào mùa hè.
Tờ Financial Times nhận định, những thay đổi đối với bản đồ phân bố kỳ nghỉ toàn cầu sẽ rất đau thương. Nạn nhân chính sẽ là hàng triệu lao động trong ngành du lịch ở các nước nghèo và các thành viên gia đình đang sống dựa vào nguồn thu nhập của họ. Nhưng thay đổi này sẽ chỉ là bước chạy đà cho những chuyển dịch cơ bản hơn tiếp theo.
Theo Hữu Hiển