A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao hợp tác kinh tế Nga - Trung có thể "náo động" thế giới?

Bất chấp nỗ lực cấm vận của phương Tây, nhiều chuyên gia và người dân 2 nước Nga, Trung Quốc đang đặt nhiều kỳ vọng vào hợp tác kinh tế giữa hai cường quốc này.

Sau khi bị cắt đứt khỏi các đối tác châu Âu bởi các lệnh trừng phạt kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu, các doanh nghiệp Nga đang dần tìm đến Trung Quốc như một bến đỗ đầu tư mới mẻ và đầy tiềm năng.

Tuần vừa qua, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, sự hợp tác kinh tế giữa hai cường quốc được dự báo sẽ tiếp tục phát triển.

Vì sao hợp tác kinh tế Nga - Trung có thể
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi gặp mặt tuần vừa qua tại Bắc Kinh. (Nguồn ảnh: Reuters)

Một trong những trọng tâm của cuộc đàm phán xoay quanh áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hai nền kinh tế, bất chấp những tín hiệu khả quan vừa qua. Theo hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa hai nước đạt 240 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, với việc Trung Quốc xuất khẩu ô tô, máy móc công nghiệp đến điện thoại thông minh và nhập khẩu hàng tỷ USD các mặt hàng năng lượng của Nga.

Theo phân tích của Financial Times về dữ liệu thương mại của Nga, vào năm 2023, có đến 60% lượng hàng hóa công dụng cao nhập khẩu vào Nga là đến từ Trung Quốc. Thiết bị viễn thông từ Trung Quốc chiếm thị phần 3,9 tỷ USD trong tổng thương ngạch 26 tỷ USD vào Nga, với máy tính ở vị trí thứ hai với 2,3 tỷ USD. Nga đã cũng mua 2 tỷ USD bộ vi xử lý và 1,7 tỷ USD thiết bị phòng thí nghiệm từ Trung Quốc.

Theo ông Philipp Ivanov, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á, thương mại Trung Quốc và Nga đã phát triển lớn kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Krym và hứng chịu các lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây, trong khi ông Tập Cận Bình bắt đầu theo đuổi các chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Nhưng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022, quan hệ hai nước đã có những bước tiến vượt bậc.

Ông Ivanov nhận xét: Bắc Kinh đã thấy trước một cuộc cạnh tranh và đối đầu lâu dài về kinh tế với các nước phương Tây. Để bù đắp cho những động thái trả đũa của các nước này, Trung Quốc đang đầu tư vào quan hệ kinh tế với các nước ngoài phương Tây trên thế giới. Được biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 120 quốc gia và đang hợp tác kinh doanh với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều này mang lại cho Trung Quốc vị thế kinh tế ngày càng lớn tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang chịu sự cấm vận của phương Tây như Belarus, Iran, Triều Tiên, Venezuela và đặc biệt là Nga.

Còn về phía Nga, nước này cũng đang nâng cấp quan hệ kinh tế với nhiều nước ngoài khối phương Tây, trong bối cảnh nước này đang chịu mức cấm vận chưa từng có. Cụ thể, Ấn Độ đang mua dầu của Nga, UAE hỗ trợ Nga trong các giao dịch tài chính, còn Kazakhstan, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ là những trung tâm mới cho hoạt động thương mại song phương của Nga, nhờ hàng hóa được vận chuyển qua nước thứ ba.

Tuy vậy, Trung Quốc đang là đối tác quan trọng nhất đối với Nga trong thời điểm hiện tại, khi nước này không chỉ tăng cường xuất khẩu sang Nga mà còn đang đẩy mạnh mua dầu của Nga để bù đắp cho nguồn cung giảm từ châu Âu. Được biết, Nga năm ngoái đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc.

“Sự hỗ trợ mà Nga nhận được từ Trung Quốc, cùng với cách tiếp cận thực tế của nhiều quốc gia khác đã nêu bật những hạn chế của sức mạnh kinh tế phương Tây” - ông Temur Umarov, một chuyên gia phân tích về Trung Quốc và Trung Á, thuộc Trung tâm Á - Âu Carnegie Russia, đã nhận xét.

Rào cản kinh tế mới từ Mỹ

Tuy vậy, việc Mỹ đe dọa trừng phạt đối với các ngân hàng và công ty Trung Quốc hỗ trợ nỗ lực chiến sự Nga đã làm giảm dòng hàng hóa kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden nhắm mục tiêu vào hoạt động thương mại Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Thực tế, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vào năm 2024 đã giảm gần 16% so với một năm trước đó vào tháng 3 và 13,5% trong tháng 4.

“Trung Quốc cho rằng thương mại của họ với Mỹ sẽ xấu đi dù ông Biden hay ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai” - ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á - Âu Carnegie Russia ở Berlin nhận xét. Ông nói thêm: “Họ không thể kiểm soát điều đó, nhưng họ có thể kiểm soát tốc độ sụt giảm của mối quan hệ với Mỹ. Vì vậy, họ đang cố gắng hỗ trợ Nga một cách cẩn thận nhất có thể”.

Bà Andrea Kendall-Taylor, giám đốc chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho rằng việc Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh không khiến Điện Kremlin phải bận tâm. Bà nói: “Đó là giao dịch mà họ sẵn sàng thực hiện để hợp tác với một đối tác không đe dọa đến sự ổn định của họ”. Đổi lại, Trung Quốc lại mong muốn khai thác các tài nguyên thiên nhiên và các tuyến thương mại cách xa khuôn khổ của nước mình, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước áp lực cấm vận của Mỹ.

Còn ông Wang Wen, giáo sư Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (Trung Quốc) lại cho rằng tuy Nga đã đạt được nhiều trong việc chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng gót chân A-sin của họ là ngành tài chính. Ông nói, trong khi tỷ lệ thanh toán thương mại của Trung Quốc và Nga bằng đồng nội tệ đã tăng từ 45% vào năm 2022 lên 95% vào thời điểm hiện nay, thì đầu tư hàng năm của Trung Quốc vào Nga còn chưa đến 1 tỷ USD trong khi đầu tư của Nga vào Trung Quốc thậm chí còn ít hơn.

Ông Wang viết: “Các cơ chế hợp tác tài chính giữa Trung Quốc và Nga vẫn chưa được thiết lập tốt và thiếu các công cụ giảm thiểu rủi ro thị trường, trao đổi thông tin đầy đủ và cơ chế quản lý cũng như các kênh thanh toán và giải quyết hiệu quả”. Đồng quan điểm, nhiều nhà phân tích cho biết, thực tế, sự thống trị của đồng đô la trong thương mại toàn cầu vẫn là vấn đề khó khăn nhất đối với hy vọng của Trung Quốc về độc lập tài chính.

Vì sao hợp tác kinh tế Nga - Trung có thể
Người dân Trung Quốc mua sắm hàng nhập khẩu từ Nga. (Nguồn ảnh: Financial Times)

Còn nhiều hy vọng về thương mại Nga - Trung Quốc

Bất chấp những khó khăn vừa qua, nhiều người tại Trung Quốc vẫn lạc quan về triển vọng thương mại với Nga trong tương lai. Cụ thể, tại thành phố Ôn Châu, một trong những trung tâm công nghiệp nhẹ hàng đầu của Trung Quốc, tờ Financial Times đã nhận xét: “Thật khó để gặp một doanh nhân chưa đến thăm Nga kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu".

Một nhân viên của một công ty triển lãm thương mại tại thành phố này cho biết cô đã dẫn đầu nhiều phái đoàn công ty lớn đến Nga, do mong muốn đa dạng hóa khỏi thị trường phương Tây sau cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cô nói: “Hải quan Nga trước đây không đặc biệt thân thiện với Trung Quốc, nhưng sau những xung đột gần đây, sự tương tác giữa hai bên đã trở nên mạnh mẽ hơn”.

Tương tự, tại thành phố giáp biên giới Hắc Hà, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, thương mại Nga - Trung cũng đang phát triển mạnh mẽ. Một nhân viên của Epinduo, một nhà nhập khẩu hàng hóa Nga, cho biết: “Chiến sự Ukraine khiến nhiều người Trung Quốc cảm thấy có quan hệ gắn bó thân thiết hơn với người Nga, vì cả hai nước đều bị phương Tây trừng phạt nặng nề”. Được biết, kim ngạch Nga - Trung tại cửa khẩu Hắc Hà đã tăng gần 57% trong năm ngoái.


Tác giả: Phú Quý (theo Financial Times)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết