A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá bấp bênh

Ngoài áp lực lạm phát, nền kinh tế Việt Nam đang chịu áp lực khác về suy giảm các kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản, chứng khoán... Trong đó, thị trường TPDN có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các kênh đầu tư còn lại và nền kinh tế nói chung. Mặc dù thị trường này đang có triển vọng phục hồi nhưng vẫn còn khá bấp bênh.

Tiềm ẩn rủi ro từ tốc độ tăng trưởng nhanh

Giữa tháng 7, Bộ Tài chính “sốt ruột” đưa ra “cảnh báo” các nhà đầu tư về các rủi ro khi tham gia thị trường này. Lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là “thời gian qua, thị trường TPDN tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả”.

Sau những hoạt động tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành TPDN, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN các tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc công bố thông tin bổ sung về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu.

Khối lượng phát hành cũng giảm dần từ tháng 2 đến tháng 4 và đã tăng trở lại trong thời gian gần đây. Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44,2 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng.

Triển vọng phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá bấp bênh
Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án (ảnh minh họa)

Một trong những lưu ý hàng đầu của Bộ Tài chính đối với nhà đầu tư là TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Theo đó, nhà đầu tư mua TPDN cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Cùng với đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).

“Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, Bộ Tài chính phân tích.

Không có chuyện quản lý mục đích vốn vay

Theo Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, các kênh đầu tư trên đều có sự liên thông, thậm chí ràng buộc với nhau. Trong đó, TPDN có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các kênh đầu tư còn lại và nền kinh tế nói chung.

Sau một thời gian chững lại do ảnh hưởng của vụ việc xảy ra với trái phiếu của công ty Tân Hoàng Minh, thị trường TPDN đã bước đầu phục hồi. Đây là dấu hiệu tích cực để giảm thiểu rủi ro đầu tư, góp phần phá vỡ tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, tác động mạnh đến nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Cần đẩy nhanh quá trình phục hồi để TPDN tiếp tục dòng chảy của mình.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa:

Xếp hạng tín nhiệm là cách các cơ quan xếp hạng chuyên nghiệp đánh giá và thẩm định “sức khoẻ” tài chính của doanh nghiệp thay cho các nhà đầu tư, bao gồm các chỉ tiêu tài chính (báo cáo, cáo bạch, đòn bẩy tài chính...) và phi tài chính (trình độ học vấn, quản lý của ban lãnh đạo, các cổ đông lớn...).

Theo chúng tôi được biết, các tập đoàn của Nhật Bản và Hàn Quốc đã sẵn sàng hợp tác để xếp hạng tín nhiệm TPDN của Việt Nam vì họ biết đây là thị trường có tiềm năng phát triển. Ngoài ra, chúng tôi đang đàm phán với một số tập đoàn xếp hạng hàng đầu của Mỹ để hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tư vấn... để tăng uy tín và mức độ tin cậy của bảng xếp hạng tín nhiệm TPDN Việt Nam. Các nhà đầu tư nhìn vào bảng xếp hạng tín nhiệm để “rót” vốn, khắc phục được tình trạng đầu tư theo tin đồn như hiện nay.

“Tôi đặc biệt quan tâm đến thị trường TPDN. 6 tháng đầu năm nay có 12 triệu tỷ đồng vốn của ngân hàng cho nền kinh tế nhưng vốn trung và dài hạn chỉ có 4,5 triệu tỷ và tốc độ tăng trưởng từ 12 - 14%. Con số này ở thị trường TPDN là 1,5 triệu tỷ và tăng trưởng từ 25 - 30%.

Với tốc độ tăng trưởng này, theo tính toán của chúng tôi, sau gần 3 năm, dư nợ vốn trung dài hạn đã có thể tăng gấp đôi và chẳng mấy chốc, TPDN “đuổi kịp” vốn trung dài hạn của ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp.

Chưa kể, nếu TPDN phục hồi sẽ giúp thị trường chứng khoán lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, từ đó phát triển tốt hơn và ngược lại. Thị trường bất động sản sử dụng nguồn vốn trung và dài hạn của TPDN là rất lớn nên “chặn” dòng chảy của TPDN, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng đóng băng, hệ thống ngân hàng rất khó khăn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Tuy nhiên, thị trường TPDN Việt Nam có đặc thù riêng khiến cho triển vọng phục hồi còn khá bấp bênh. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khác với các nước, thị trường TPDN tại Việt Nam có một đặc thù là tỷ lệ TPDN phát hành ra công chúng rất thấp, không đảm bảo minh bạch và rủi ro rất lớn. Hầu hết các công ty phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng nên rất khó nhận biết về thực trạng tài chính.

Những bất cập trên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP trên nền tảng thông lệ quốc tế nhằm tạo cho thị trường TPDN dòng chảy bình thường, hạn chế những quy định có tính chất là đòi hỏi phi lý gây khó khăn trong quá trình triển khai.

“Gần đây, chúng tôi có ý kiến mạnh mẽ khi dự thảo sửa đổi Nghị định 153 đưa ra khái niệm quản lý mục đích sử dụng vốn huy động từ TPDN. Kinh nghiệm phát triển thị trường vốn trên thế giới trong hàng trăm năm qua cũng không có chuyện quản lý mục đích vốn vay của tín dụng ngân hàng chứ đừng nói đến TPDN. Không cá nhân, tổ chức nào quản được điều này”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Nghị định 153 việc phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng lên, còn phát hành ra công chúng giảm đi. Vì thế, cần sửa đổi quy định này theo hướng tăng phát hành TPDN ra công chúng để đảm bảo thị trường phát triển trong sự kiểm soát. Đặc biệt, trong mọi trường hợp kể cả phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng đều cần dứt khoát phải được xếp hạng tín nhiệm. Đây là thông lệ quốc tế đã có hàng trăm năm nay mà Việt Nam cần phải học hỏi, tham khảo và áp dụng.

Bảo Thoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...