Thúc đẩy kinh tế từ các đêm nhạc triệu đô
Nhìn từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều cơ hội kinh tế từ xu hướng du lịch âm nhạc.
Theo kế hoạch, sự kiện âm nhạc của nhóm nhạc thần tượng K-pop BLACKPINK sẽ chính thức diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội trong 2 ngày 29 - 30/7. Dự kiến sự kiện này sẽ đón khoảng 67.000 người từ khắp nơi đổ về tham dự.
Hòa vào cơn sốt BLACKPINK, nhiều thương hiệu lớn nhỏ tại thị trường Việt Nam cũng "đu trend"- một thuật ngữ của giới trẻ để chỉ việc tận dụng sự kiện để nắm bắt và thu hút được lượng lớn khách hàng tiềm năng. Theo các chuyên gia, nhìn từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều cơ hội kinh tế từ xu hướng du lịch âm nhạc.
Từ bộ sưu tập cốc giới hạn lấy cảm hứng từ nhóm nhạc cho đến những món ăn, thức uống mang 2 màu đặc trưng đen - hồng bắt mắt hay các chương trình ưu đãi hấp dẫn đã tận dụng cơ hội marketing lớn này để tiếp cận đến nhiều khách hàng, đặc biệt là thế hệ gen Z.
Tiến sĩ Trần Thị Bích Hạnh - Chủ nhiệm bộ môn kinh doanh, Trường Đại học Swinburne Việt Nam cho biết: "Kpop ảnh hưởng nhiều hơn đến giới trẻ. Khi những tư duy, tầm nhìn của giới trẻ mà tích cực thì mọi thứ khác kèm theo cũng tích cực. Đây là yếu tố chính thúc đẩy kinh tế".
Đầu năm 2023, show diễn của BLACKPINK được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) đã giúp ngành du lịch nước này có thêm động lực thu hút du khách quốc tế sau đại dịch. Ước tính, ngành du lịch Thái Lan thu lợi hơn 20 - 30 triệu USD từ việc lưu trú, vé máy bay, tiêu dùng trong 5 ngày trước và sau buổi diễn. Tương tự, Singapore thu hơn 35 triệu USD, Indonesia cũng thu được con số gần như vậy.
Trên thế giới, xu hướng "đu idol", cách nói dí dỏm chỉ những người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền bạc, thời gian tham gia vào các buổi diễn mà thần tượng của mình trình diễn đã khiến lĩnh vực du lịch âm nhạc nở rộ những năm gần đây.
Ông Rakesh Mani - Chuyên gia thị trường Tiêu dùng Đông Nam Á, Công ty Tư vấn PwC Đông Nam Á nhận định: "Kpop đã có ảnh hưởng rất lớn đến thói quen mua hàng và chi tiêu của người tiêu dùng, trải rộng trên nhiều danh mục khác nhau. Đầu tiên là thời trang và làm đẹp, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, ngày càng nhiều các thương hiệu kết hợp với phong cách Hàn Quốc được săn đón hơn".
Theo báo cáo của Future Market Insights, thị trường du lịch âm nhạc toàn cầu sẽ đạt giá trị 11,3 tỷ USD năm 2032, tăng 5,5 tỷ USD so với năm ngoái. Nhu cầu đi du lịch có mục đích đã làm tăng thị phần du lịch âm nhạc. Sức nóng của ngành này càng được tăng thêm nhờ sự lan toả của các phương tiện truyền thông xã hội.
"Cộng đồng người hâm mộ Kpop rộng khắp trên mạng xã hội đang tạo ra những tác động kinh tế lớn, khiến các nhãn hàng cũng phải suy nghĩ đến chiến lược hợp tác với các nghệ sĩ để thu hút người tiêu dùng", ông Rakesh Mani - Chuyên gia thị trường Tiêu dùng Đông Nam Á, Công ty Tư vấn PwC Đông Nam Á cho biết.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Bắc Mỹ là khu vực dẫn đầu về du lịch âm nhạc, với sự các lễ hội âm nhạc lớn như Coachella. Khách du lịch trung bình chi tối thiểu 300 USD cho việc đi lại và ăn ở tại Mỹ. Ở châu Á - Thái Bình Dương, thị trường du lịch âm nhạc đang phát triển mạnh mẽ nhất ở các thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Malaysia.