Tập trung vào giá trị cốt lõi, doanh nghiệp Việt có thể nâng tầm thương hiệu
Xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị gia tăng quan trọng như thế nào đối với thành công của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế? Các nhà nghiên cứu Đại học RMIT chia sẻ nhận định nhân dịp Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.
Xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên giá trị gia tăng là một cách tiếp cận chiến lược, theo đó doanh nghiệp nâng cao giá trị cảm nhận của thương hiệu mình bằng cách gắn kết với những giá trị cốt lõi tích cực, phù hợp với đối tượng mục tiêu.
Điều này có thể thực hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau, như chất lượng sản phẩm/dịch vụ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trải nghiệm của khách hàng, v.v.
Tiến sĩ Abel D. Alonso, giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, trong bài trình bày tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày 16/4/2024 đã nhấn mạnh rằng mặc dù các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang tích hợp và nâng tầm giá trị cốt lõi trong hoạt động xây dựng thương hiệu một cách chiến lược hơn, song khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn còn dư địa để cải thiện.
Theo báo cáo của OECD từ năm 2021, DNVVN chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% giá trị gia tăng quốc gia tại Việt Nam.
"Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của DNVVN trong nền kinh tế Việt Nam. Có rất nhiều thương hiệu quốc gia tiềm năng đang chờ được khai phá và phát triển mạnh mẽ từ nhóm doanh nghiệp này", Tiến sĩ Alonso nói.
Giảng viên cấp cao RMIT, Tiến sĩ Abel D. Alonso diễn thuyết tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. (Ảnh: RMIT)
Tại Việt Nam hiện có nhiều nhà sản xuất độc lập trong lĩnh vực thực phẩm, thời trang, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm chuyên biệt. Di sản thiên nhiên và văn hóa phong phú cũng tạo điều kiện cho nhiều DNVVN xuất hiện trong ngành du lịch - khách sạn. Theo Tiến sĩ Alonso, đây chỉ là một vài trong số nhiều ngành có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị gia tăng.
Lấy ví dụ từ các điển hình thành công, Tiến sĩ Alonso cho rằng việc xây dựng thương hiệu có thể được thực hiện qua hình thức kể chuyện và truyền thông trên mạng xã hội một cách liên tục, nhấn mạnh vào tính năng và giá trị tình cảm của sản phẩm. Duy trì hiện diện thương hiệu mạnh mẽ tại các sự kiện và thông qua các hoạt động giao lưu kết nối cũng là một cách tiếp cận hiệu quả.
Tiến sĩ Alonso nhận định: "Một cách khác để xây dựng thương hiệu là đưa sản phẩm lên tầm cao mới. Ví dụ, một đơn vị sản xuất cà phê có thể nâng tầm thương hiệu bằng cách trồng cà phê bền vững, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nông trại, tổ chức các hoạt động du lịch liên quan đến cà phê, hoặc chia sẻ những câu chuyện về người nông dân".
"Nếu có thể đưa ra một quy tắc chung ở đây thì đó là doanh nghiệp vừa phải truyền tải những trải nghiệm, hình ảnh và câu chuyện đáng nhớ, vừa phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng nhất quán cho thấy lời nói đi đôi với việc làm", ông phân tích.
Doanh nghiệp có thể nâng cao giá trị cảm nhận của thương hiệu mình bằng cách gắn kết với những giá trị cốt lõi tích cực, phù hợp với đối tượng mục tiêu. (Ảnh: Unsplash)
Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại RMIT, Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng đối với giá trị thương hiệu.
Theo bà, doanh nghiệp cần có sự đầu tư đúng đắn và cam kết lâu dài với những thứ mình muốn bán trên thị trường. Để làm được điều đó, họ cần thực sự lắng nghe khách hàng, thấu hiểu thị trường và không ngừng tìm cách đổi mới.
"Doanh nghiệp Việt Nam nên tìm cách dùng bản sắc Việt để kể câu chuyện của mình cho bạn bè quốc tế. Họ không nên chỉ chạy theo xu hướng mà nên cố gắng tạo ra xu hướng và dẫn dắt thị trường, ví dụ như thông qua sản phẩm xanh, phát triển bền vững, quản trị minh bạch, đóng góp giải quyết các vấn đề bất bình đẳng", Tiến sĩ Quyên nhận định.
Các đại biểu đến từ Đại học RMIT tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. (Ảnh: RMIT)
Liên quan tới phát triển bền vững, giảng viên RMIT Tiến sĩ Vũ Thị Kim Oanh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện đang được khuyến khích nâng tầm thương hiệu một cách bền vững, chẳng hạn như thông qua các góc độ Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).
Kết quả sơ bộ từ dự án đo lường mức độ sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp Việt Nam do nhóm nghiên cứu Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT thực hiện cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước đã ghi nhận lợi ích đa dạng từ việc tuân thủ ESG, bao gồm cả việc làm đẹp hồ sơ, thu hút đầu tư hay thuyết phục khách hàng quốc tế.
Với dân số 100 triệu người, tỉ trọng của Việt Nam trong GDP toàn cầu được điều chỉnh theo sức mua tương đương dự báo sẽ đạt mức cao mới là 0,97% vào năm 2028, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế.
"Cùng với xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng, việc xây dựng thương hiệu bằng cách khai thác các giá trị cốt lõi một cách bền vững sẽ giúp doanh nghiệp Việt khai thác tiềm năng của không chỉ thị trường trong nước mà còn trên toàn cầu", Tiến sĩ Oanh kết luận.
Ánh Dương