A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 6,95%

Các kịch bản cập nhật tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 đều đạt trên mức 6,5% cùng mức thặng dư thương mại cao.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam và tăng trưởng GDP năm 2024 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 9/7/2024 cho thấy những khả năng tăng trưởng mới trong các tháng còn lại của năm 2024.

Báo cáo đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024.

Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam đang cần những tăng trưởng mang tính chất lượng mới”, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh nêu rõ.

Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 6,95%
Quang cảnh hội thảo công bố báo cáo

Theo đó, các giải pháp được các chuyên gia CIEM khuyến nghị gồm chú trọng việc hướng dẫn thực thi các luật được Quốc hội thông qua, cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn, nhất là về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quan tâm việc tăng năng xuất lao động theo hướng coi năng suất lao động ở khu vực công thành động lực kích thích năng suất lao động ở các khu vực kinh tế khác.

Trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cần đặc biệt chú ý nếu chỉ tập trung nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực với kiểm soát lạm phát sẽ gia tăng.

Đặc biệt cần giữ gìn dư địa tài khoá để có thể ứng phó với các cú “sốc" có thể xảy đến trong tương lai.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy tư duy điều hành đã nhấn mạnh hơn yêu cầu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữ tỷ giá và lãi suất. Ưu tiên cho tăng trưởng tiếp tục dựa trên các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu.

Tính chung cả sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực trong sáu tháng đầu năm 2024. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.

Năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả và năng suất lao động, chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp,...

Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%, còn nhập khẩu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.


Tác giả: Quang Lộc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết