Tăng tốc phục hồi, quyết tâm cao cho kỳ vọng mới
Những kết quả đạt được trong năm 2024 đã tạo lực, tạo đà để thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, là cơ sở và làm tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.
Mục tiêu kỳ vọng và điểm rơi 2025
Thế giới đang bước vào thời điểm quan trọng. Các quốc gia đều hoạch định những chiến lược có tính cách mạng để tận dụng và phát huy tính đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp số vì mục tiêu kép: Giải quyết các thách thức cấp bách đang phải đối mặt, đạt được cả hai mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Với Việt Nam năm 2025 có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Những mục tiêu của cả giai đoạn 2021- 2025 có đạt được hay không sẽ nằm ở “điểm rơi” trong năm 2025 này. Vì thế, 2025 là thời gian rất quan trọng.
Trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Quốc hội phê chuẩn đã xác định “2025 là năm phải tăng tốc và bứt phá để về đích, để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; Lạm phát 4,5%; 5. Tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 5,3-5,4%...
Đây là những chỉ tiêu “khả thi”, theo TS. Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bởi những kết quả đạt được trong năm 2024 đã tạo lực, tạo đà để thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 – 2025.
Với những kết quả đạt được, “Việt Nam tiếp tục thể hiện sự kiên cường”, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh. Kiên cường bởi trong bối cảnh năm thế giới đầy bất định ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước. Lại thêm sự tàn phá nặng nề của cơn bão Yagi. Và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế vẫn đang còn đó. Mục tiêu đặt ra cho năm 2024 rất cao nhưng đã đạt được.
Việt Nam vẫn giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Và tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra. “Tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao nhất khu vực ASEAN, gấp đôi trung bình các nước ASEAN”, TS. Nguyễn Hữu Thọ nói.
Để đạt được những kết quả quan trọng trong bối cảnh nhiều thách thức và những tác động bất thường bất ngờ đó là nhờ: “Chính phủ luôn chủ động trong điều hành để giảm tối đa tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội mà bên ngoài đem lại, còn người dân và doanh nghiệp thì luôn nỗ lực”, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economyca Việt Nam nhìn nhận.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã điều hành với các nguyên tắc “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đây không phải là những câu khẩu hiệu, mà Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân - đã và đang hành động quyết liệt.
Kết quả của năm 2024 sẽ tạo động lực, nền tảng tốt cho năm 2025, là cơ sở và làm tiền đề cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng. Với những tiền đề đó, theo các chuyên gia năm 2025 sản xuất, kinh doanh sẽ khởi sắc; Vốn khu vực Nhà nước tiếp tục là điểm tựa; FDI sẽ tiếp tục là điểm sáng; Sức mua của người dân tăng; Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và tác động của các hiệp định thương mại… Và khu vực kinh tế tư nhân đang sôi động trở lại.
Nhưng khó khăn và thách thức vẫn rất nhiều, đòi hỏi phải có quyết tâm và nỗ lực tăng tốc thực sự để vượt qua. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn, chi phí cao. Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Nợ xấu có xu hướng tăng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.
Cải cách thể chế - Động lực của phát triển
Để 2025 tăng tốc và bứt phá, theo các chuyên gia: Trước hết, thúc đẩy tăng trưởng vẫn phải trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phải có thể chế tốt để khai thác hiệu quả không gian phát triển mới, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư công vẫn cần được thúc đẩy và tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm nhất là các dự án mang tính chiến lược.
“Phải tập trung cao độ hơn nữa cho việc tháo gỡ vướng mắc và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế”, TS. Lê Duy Bình nói. Cải cách thể chế phải đột phá mạnh mẽ với tư duy đổi mới, tạo động lực cho sự phát triển, khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là xóa bỏ nỗi sợ sai trong tâm lý của cán bộ, công chức. Phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Đây phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2025.
Cũng nhấn mạnh cải cách thể chế, TS. Thọ cho rằng: Phải giảm thủ tục hành chính và quy định kinh doanh. Không để có thêm những thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật mà không phù hợp. Và tháo gỡ các rào cản ngay khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Cải cách các thủ tục kinh doanh phải theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường. Ông Thọ cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho phát triển, tập trung vào hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu, phát triển cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm....
Theo các chuyên gia: Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt trên mọi lĩnh vực, với nền tảng vững chắc và có động lực mới từ cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, năm 2025 sẽ tạo một bước ngoặt quan trọng. Và Việt Nam sẽ vững bước trên con đường phát triển đất nước theo định hướng đổi mới toàn diện, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hà Linh