A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng trên 10% so với cùng kỳ 2022

Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 23/1/2024 gồm các thông tin thị trường, xuất nhập khẩu đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:

Sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng trên 10% so với cùng kỳ 2022; Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc; Nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu hạt điều trong năm 2024; Nửa tháng đầu năm, kim ngạch rau quả ước đạt gần nửa tỷ USD; Xuất khẩu gạo có thể mang về hơn 5 tỷ USD.

Sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng trên 10% so với cùng kỳ 2022

undefined
Theo dự báo của Bộ Công Thương, sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước

Bộ Công Thương dự kiến sức mua trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25%.

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, một số địa phương như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.

Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc

undefined
Lễ xuất khẩu lô yến sào chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc với giá trị 12 tỷ đồng

UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Công ty yến sào Thành Dung tổ chức Lễ xuất khẩu lô yến sào chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc với giá trị 12 tỷ đồng.

Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán thành công và ký kết Nghị định thư với Tổng cục hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Công ty yến sào Thành Dung (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) đã thiết lập hồ sơ xuất khẩu tổ yến.

Đến tháng 11/2023, doanh nghiệp này được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận. Trong đợt xuất khẩu đầu tiên vào ngày 20/1/2024 vừa qua, Công ty yến sào Thành Dung xuất bán lô hàng 300kg yến tổ, trị giá 12 tỷ đồng.

Việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tỷ dân trong thời gian tới, mang lại giá trị kinh tế cao, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm yến sào sang thị trường tiềm năng, đông dân nhất thế giới này.

Nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu hạt điều trong năm 2024

Theo các cơ quan chức năng trong nước, năm 2023 xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng trưởng khả quan cả về lượng và trị giá, đạt 644,13 nghìn tấn, trị giá 3,64 tỷ USD. Dự báo năm 2024, ngành điều còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt hơn 644,13 nghìn tấn, trị giá 3,64 tỷ đô la Mỹ, tăng 24% về lượng và tăng hơn 18% về trị giá so với năm 2022.

Về thị trường, năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang tất cả các thị trường chủ lực đều tăng so với năm 2022. Trong đó, các thị trường có mức tăng mạnh là: Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 72,3%); Trung Quốc (tăng 49,8%); Ả rập Xê út (tăng 46,3%); Anh (tăng 24,1%)…

Dự báo năm 2024, ngành điều Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu do nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ chính vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành điều Việt Nam vẫn là vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu.

Nửa tháng đầu năm, kim ngạch rau quả ước đạt gần nửa tỷ USD

undefined
Năm 2024 xuất khẩu rau quả sẽ đạt kim ngạch đến 6,5 tỷ USD

Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu rau quả cả nước trong 15 ngày đầu của tháng 1/2024 ước đạt 459 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, con số này đang tăng trên 89% và so với tháng liền kề trước đó là trên 12%.

Với sự khởi đầu đầy triển vọng này, các chuyên gia tin tưởng khả năng cả năm 2024 xuất khẩu rau quả sẽ đạt kim ngạch đến 6,5 tỷ USD. Bởi hiện nay chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, hiện nay nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, EU đã có những tín hiệu rất tích cực.

Bước sang năm 2024, sau quá trình đàm phán ký nghị định thư với Trung Quốc, Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch sản phẩm dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Chưa kể, sầu riêng đông lạnh có thể sẽ được phép nhập khẩu vào nước này. Như vậy, nếu sầu riêng đông lạnh được phép xuất khẩu vào thị trường này, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ tiếp tục bứt phá.

Xuất khẩu gạo có thể mang về hơn 5 tỷ USD

Trong tháng 12/2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn, trị giá đạt gần 339 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Kết quả ấn tượng nêu trên do tổng nguồn cung gạo trên thị trường thế giới sụt giảm do Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo; đồng thời hiện tượng El Nino cũng làm giảm sản lượng tại một số quốc gia sản xuất gạo. Những yếu tố này đã thúc đẩy nhu cầu và giá gạo tăng cao trong thời gian qua.

Chỉ tính riêng trong tháng 11 năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 667 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay và cao hơn cả mức giá 665 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm đang được chào bán trên thị trường.

Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 đạt 2,87 triệu tấn, kim ngạch 1,57 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 37,6% về lượng và 36,3% về kim ngạch.

Indonesia vươn lên vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam do Chính phủ Indonesia tăng cường nhập khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc.

Với những diễn biến hiện tại, xuất khẩu gạo trong năm 2024 được đánh giá là tương đối khả quan. Xuất khẩu gạo năm 2024 có thể mang về khoảng 5,3 tỷ USD.


Tác giả: Thực hiện Nhóm Phóng viên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết