Sau 36 năm đổi mới, GDP Việt Nam tăng gấp 50 lần, lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, chỉ xếp trên Myanmar (5,15 tỷ USD) vào năm 1986.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới kinh tế là: giải phóng mạnh mẽ mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác tốt và có hiệu quả mọi khả năng của đất nước, của mọi thành phần kinh tế.
Trên cơ sở phát huy các nguồn lực trong nước là chính, mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút mạnh mẽ và có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài; hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và đổi mới quan hệ sản xuất (cả về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối) nhằm bảo đảm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
Sau 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần. Đặc biệt, giai đoạn 1986 – 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới. Cụ thể, 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới gồm có: Equatorial Guinea (GDP tăng 180,78 lần), Trung Quốc (GDP tăng 60,15 lần), Qatar (GDP tăng 53,51 lần), Việt Nam và Maldives (GDP tăng 39,28 lần).
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam đã vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa xây dựng nền kinh tế tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh.
Khối ASEAN
Năm 1986, GDP Việt Nam xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN, chỉ xếp trên Myanmar. Đến năm 2022, thứ hạng GDP của Việt Nam trong khối ASEAN đã có sự thay đổi rõ rệt.
Năm 2022, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP lớn nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 1.318 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP đạt khoảng 536,16 tỷ USD. Singapore xếp thứ 3 với quy mô GDP đạt khoảng 466,79 tỷ USD.
Malaysia xếp thứ 4 với quy mô GDP đạt khoảng 407,92 tỷ USD. Quy mô GDP Việt Nam xếp thứ 5 trong khối ASEAN. GDP Philippines đạt khoảng 404,26 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.
Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào lần lượt xếp thứ 7, 8, 9, 10 với quy mô GDP đạt 56,76 tỷ USD; 28,54 tỷ USD; 16,64 tỷ USD; 15,31 tỷ USD vào năm 2022.
Giai đoạn 1986 – 2022, GDP Việt Nam tăng nhiều nhất trong khối ASEAN. Các quốc gia còn lại đều có mức tăng thấp hơn, cụ thể: Singapore (GDP tăng 24,85 lần), Malaysia (GDP tăng 13,46 lần), Indonesia (GDP tăng 13,03 lần), Thái Lan (GDP tăng 12,04 lần), Philippines (GDP tăng 11,85 lần), Myanmar (GDP tăng 11,01 lần), Campuchia (GDP tăng 3,57 lần), Brunei (GDP tăng 1,89 lần) và Lào (GDP tăng 1,8 lần).
Minh Tiến