Nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn, xuất khẩu phân bón của Việt Nam ra sao trong quý III/2023?
Dù đối mặt với nhiều áp lực, ngành phân bón đang dần phục hồi nhờ sản lượng tiêu thụ tăng và xuất khẩu khởi sắc.
Trong quý III/2023, nhiều doanh nghiệp phân bón công bố lợi nhuận gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có thể kể đến như Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam, Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ, Phân bón Bình Điền. Điều này là nhờ sản lượng tiêu thụ phân bón tăng và xuất khẩu khởi sắc.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2023 cả nước xuất khẩu 390.850 tấn phân bón các loại, tương đương 239,45 triệu USD, giá trung bình 403,4 USD/tấn, tăng 0,08% về khối lượng, giảm 35,3% về kim ngạch và giảm 34,6% về giá so với quý III/2022.
Trong tháng 9, xuất khẩu phân bón đạt 91.756 tấn, tương đương 41,3 triệu USD. Sản lượng và kim ngạch đều giảm so với tháng trước, nhưng giá xuất khẩu trong tháng này đạt 450 USD/tấn, tăng 21% so với tháng 8. Giá tăng trở lại do quyết định mới từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp phân bón đang hưởng lợi khi nhu cầu sản xuất nông nghiệp tăng, nông dân nhiều nơi được mùa lúa; gạo được xuất khẩu với sản lượng và giá ở mức cao. Đến hết quý 3, xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%, giá gạo xuất khẩu đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đáng chú ý, có thời điểm giá gạo xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn, cao nhất thế giới.
Giá phân bón gần 2 tháng trở lại đây cũng tăng cao cả ở thị trường trong nước và thế giới.
Dữ liệu của Investing cho thấy, sau nửa đầu năm 2023 sụt giảm và duy trì ở mức thấp, giá phân ure bắt đầu hồi phục. Đến nay, hợp đồng tương lai phân urê đạt trên 400 USD/tấn, hồi phục hơn 40% so với thời điểm thấp nhất vào giữa tháng 6/2023 và là mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2023, song vẫn thấp hơn hơn 37% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều này đã tác động không nhỏ tới thị trường phân bón toàn cầu, bởi Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới, nên việc đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân urê có thể tạo ra nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Trung Quốc là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar, Australia.
Ngoài Trung Quốc, một quốc gia khác nằm trong top đầu về xuất khẩu phân bón là Morocco xảy ra trận động đất mạnh nhất thế kỷ vào ngày 8/9 sẽ tác động đến nguồn cung phân bón thế giới trong ngắn hạn. Morocco sở hữu 70% sản lượng đá phốt pho của thế giới, có lợi thế về sản xuất phân bón, phân lân.
Các sự kiện trên đã thúc đẩy giá ure trên thị trường phân bón thế giới tiếp tục tăng, sau khi có mức tăng mạnh do các yếu tố như căng thẳng leo thang ở Biển Đen, nhu cầu ure từ Ấn Độ tăng đột biến (do sản lượng trong nước giảm và diện tích trồng lúa tăng), Ai Cập cắt giảm 30% lượng khí cho sản xuất phân bón (năm ngoái, Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu).
Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, giá ure thế giới có thể tăng trong những tháng cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha. Ngoài ra tại Việt Nam, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân.
Kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong những tháng tới cùng với giá phân bón đang phục hồi, kết quả kinh doanh quý cuối năm 2023 của các doanh nghiệp phân bón sẽ khởi sắc hơn.
Khánh Vy