Nhật Bản sắp mất ngôi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức vì đồng Yên mất giá
Chuyện gì đang diễn ra với cường quốc kinh tế Châu Á lớn thứ 3 thế giới?
Cụ thể, báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) danh nghĩa của Đức sẽ đạt 4,43 nghìn tỷ USD trong năm nay, cao hơn so với 4,23 nghìn tỷ USD của Nhật Bản.
Tính bình quân GDP đầu người, nền kinh tế Đức cũng đạt 52.824 USD/người, cao hơn so với 33.950 USD/người của Nhật Bản.
Dự đoán này được đưa ra trong bối cảnh đồng Yên đang lao dốc xuống mức 160 Yên đổi 1 Euro và ở mức thấp nhất trong 33 năm qua so với đồng USD. Lần cuối cùng đồng Yên xuống mức 160 Yên/Euro là vào tháng 8/2008.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do chính sách tiền tệ trái ngược của các nền kinh tế. Trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) lại vẫn nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng sau nhiều năm giảm phát.
Tệ hơn, việc ECB và FED được dự đoán sẽ tiếp tục giữ chính sách siết chặt tiền tệ và lãi suất cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên đồng Yên trong thời gian tới.
Trái lại, mặc dù BoJ được cho là sẽ có một số dấu hiệu thay đổi trong chính sách tiền tệ nhưng lãi suất âm tại Nhật Bản được cho là sẽ còn tiếp tục kéo dài sang tận năm 2024.
“Đúng là tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản đã bị tụt lại phía sau và ở mức thấp. Chúng tôi hiện đang cố lấy lại những nền tảng đã mất trong 20-30 năm qua bằng các gói biện pháp lớn sắp tới đây”, Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura thừa nhận.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố các gói kích thích kinh tế bao gồm mở rộng trợ cấp năng lượng nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát đang bùng nổ mạnh nhất 10 năm qua. Ngoài ra, một số chính sách khác cũng sẽ được ban hành như duy trì đà tăng lương, giảm thuế...
Theo Băng Băng