A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân đổ xô tích trữ vàng, tiền đâu sản xuất kinh doanh?

Khi giá vàng tăng cao sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, người dân sẽ đổ xô đi mua, tích trữ vàng thay vì đem tiền đi đầu tư, gửi tiết kiệm hay sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Nhà nước phải sớm có biện pháp đưa giá vàng trong nước về trạng thái bình ổn, ít nhất là phải tương đồng với thế giới.

Ngày 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội băn khoăn về lãi suất tiền gửi quá thấp, trong khi giá vàng, vé máy bay lại tăng cao.

Người dân đổ xô tích trữ vàng, tiền đâu sản xuất kinh doanh?
Quang cảnh buổi thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Người dân không mặn mà gửi tiết kiệm

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận, hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng rất thấp khiến người dân không mặn mà gửi tiết kiệm, mà dùng tiền đầu tư vàng, bất động sản… Do đó, cần phải xem lại chính sách về điều hành lãi suất của ngân hàng, cần phải có sự linh hoạt.

“Chúng ta đều biết rằng, ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay nhưng có phải giảm đến mức mà lãi suất huy động quá thấp như thế để chúng ta không huy động được vốn vào nền kinh tế hay không? Tôi cho rằng như vậy cũng không phải là tốt” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, lãi suất cho vay phải xác định ở một mức hợp lý và lãi suất huy động cũng phải trên mức dự báo về lạm phát. Lãi suất huy động phải từ 5-6% mới có thể duy trì được, mà lãi suất huy động 5 - 6 % thì lãi suất cho vay phải đến khoảng 8%.

Mức lãi suất này không phải là vấn đề khó với doanh nghiệp. Vấn đề là doanh nghiệp có tiếp cận được không, có khả năng hấp thụ được không.

“Nếu chúng ta duy trì được lãi suất cho vay ổn định khoảng 7-8 %, các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ sẽ sẵn sàng chấp nhận, sẽ đảm bảo cân bằng được điều hành lãi suất và lạm phát” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Người dân đổ xô tích trữ vàng, tiền đâu sản xuất kinh doanh?
Đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, giá vé máy bay đang tăng quá cao, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giảm nhu cầu đi lại, giảm lượng khách du lịch và ảnh hưởng tới việc làm của nhân lực ngành này… Do đó, cần tìm nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến cho giá vé tăng cao.

Đánh giá đường bay tương đương tại Thái Lan rẻ hơn Việt Nam rất nhiều, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có gói hỗ trợ cho hàng không, gồm phí dịch vụ sân bay, đầu tư các trung tâm bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam, kích cầu du lịch để giảm giá vé máy bay.

Có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ lo ngại khi giá vàng trong nước thời gian qua biến động mạnh. Ông đồng tình giá vàng thế giới tăng cao, thì trong nước phải tăng theo, song mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang “ngày càng lớn”.

Theo đại biểu, khi giá vàng tăng cao sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, tâm lý của người dân sẽ ảnh hưởng. Người dân sẽ đổ xô đi mua, tích trữ vàng thay vì đem tiền đi đầu tư, gửi tiết kiệm hay sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu đề nghị Nhà nước phải sớm có biện pháp đưa giá vàng trong nước về trạng thái bình ổn, ít nhất là phải tương đồng với thế giới.

Người dân đổ xô tích trữ vàng, tiền đâu sản xuất kinh doanh?
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại tổ

Về dài hạn, đại biểu đề nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bởi theo ông Cường, quy định tại văn bản này chỉ còn hiệu quả trong giai đoạn trước đây nhưng hiện nay đang gây tác dụng ngược trong quản lý thị trường vàng.

Đối với câu chuyện ứng phó linh hoạt hiện nay, đại biểu Cường dẫn câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu vàng để tăng cung, nhằm giảm giá nhưng thực tế, có thể thấy, cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên nhiều hơn.

Theo đại biểu, cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước đang là “đấu thầu ngược”, tức chính việc đấu thầu vàng của Nhà nước là tác nhân làm giá vàng tăng lên. Nhà nước đặt giá sàn cao hơn mức thị trường, như vậy khi người tham gia đấu thầu trúng, người ta phải bán cao hơn mức mua vào, làm giá vàng tiếp tục tăng lên.

“Như vậy, mục tiêu lúc này không phải giảm giá vàng, mà là đấu thầu vàng làm sao thu được nhiều tiền. Nếu mục tiêu là để giảm giá, liên thông giá vàng trong nước với quốc tế, thì giá tham chiếu phải bằng giá vàng thế giới cộng với các loại thuế phí và nhu cầu. Bên cạnh đó, khi đấu thầu, anh nào mua vào phải bán ra với giá sát nhất của giá tham chiếu thì mới thắng thầu”, đại biểu Cường nêu ý kiến.

Đề cập đến câu chuyện giá vàng, đại biểu Phạm Đức Ấn nhất trí với đại biểu Hoàng Văn Cường về việc Nghị định 24/NĐ-CP đã hết giá trị lịch sử.

Theo đại biểu, giá vàng rất quan trọng bởi khi giá vàng biến động sẽ ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế như trước đây. Do đó, cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...