Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp: 3 điều bắt buộc khi hoán nợ bằng bất động sản
Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp cho phép thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Phương thức này được các chuyên gia ví như “hàng đổi hàng”.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3/2023 với nhiều điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, tại Nghị định số 153 của Chính phủ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm "thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu".
Bổ sung điểm mới, Nghị định số 08 quy định "doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác”.
Việc hoán đổi sang tài sản khác phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định.
Thứ nhất, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
Thứ hai, phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
Thứ ba, doanh nghiệp nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Bình luận về điểm mới này trên trang cá nhân, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup - cho biết, việc thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác như bất động sản nếu được nhà đầu tư chấp nhận đã có một số chủ đầu tư làm.
Theo vị chuyên gia này, việc quy định tại Nghị định sẽ tốt hơn, có một quy định chuyên ngành rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, đề xuất phương án thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác thu hút sự chú ý. Bởi ngay đầu năm 2023, khá nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh.
Hồi giữa tháng 2 năm nay, HNX đã công bố danh sách các tổ chức phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 16/9/2022 đến 31/1/2023. Theo đó, có 54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu, trong số này phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản – xây dựng.
Ở góc nhìn tích cực, một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản “nối đuôi nhau” báo chậm thanh toán trái phiếu thì đổi trái phiếu sang tài sản khác là giải pháp quan trọng cho nhà đầu tư. Họ có thêm lựa chọn.
Tuy nhiên, một số lại lo ngại dễ dẫn đến rủi ro với quy định này. Theo đó, điều kiện tiên quyết của hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản là phải trên nguyên tắc tự nguyện. Bởi không có thể sẽ phải nhận những sản phẩm bất động sản thanh khoản kém, “ế”, như vậy khó khăn sẽ chồng chất khó khăn.
Thêm nữa, gần đây, thị trường bất động sản tại Việt Nam rơi vào tình trạng trầm lắng sau một thời gian tăng giá, sốt nóng. Việc mua bán bất động sản đều khó khăn do giá được cho là ở mức cao hơn thực tế rất nhiều. Do vậy, việc định giá khi hoán đổi cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Bên cạnh đó, sẽ có thể phát sinh rắc rối, phức tạp khi không ít trái chủ có số tiền đầu tư nhỏ phải nhận chung và trở thành đồng sở hữu bất động sản với các nhà đầu tư khác.
Để hạn chế rủi ro, Nghị định 08 cũng đưa ra các nguyên tắc để thực hiện phương án hoán đổi tài sản này. Theo đó, việc nhận tài sản khác buộc “phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận”.
Theo tìm hiểu của PV, thực tế vừa qua có nhiều doanh nghiệp đề xuất, đàm phán với các nhà đầu tư về phương án hoán đổi sang bất động sản. Trong đó có Novaland - một tập đoàn bất động sản lớn đang "đau đầu" với nợ TPDN. Chia sẻ trên báo chí, đại diện Tập đoàn này cho biết có đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển.
Hải Bình