A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi ích kép từ giảm thuế giá trị gia tăng

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đồng ý đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 6 tháng đầu năm 2024. Trong đề xuất của Bộ Tài chính, việc giảm thuế VAT sẽ tiếp tục được thực hiện từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Nhiều doanh nghiệp của Hà Nội kỳ vọng đây sẽ là động lực giúp giảm chi phí sản xuất, phục hồi kinh doanh cũng như kích cầu tiêu dùng.

Doanh nghiệp được tiếp sức

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuyến Diễn (Đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã từng một lần được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế VAT vào năm 2023. Ông Vũ Thế Tuyến - Giám đốc Công ty cho hay, đơn vị rất mừng khi chính sách giảm thuế tiếp tục được gia hạn đến hết tháng 6/2024. Như vậy, công ty sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí về nhân công và một số đầu vào không hề nhỏ.

“Giá nguyên liệu từ vật tư cung cấp sẽ giúp chúng tôi giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành đầu ra. Đây là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục các chiến lược giảm giá, khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, thu hút lượng khách hàng lớn đến với doanh nghiệp”, ông Vũ Thế Tuyến chia sẻ.

Lợi ích kép từ giảm thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp được tiếp sức khi tiếp tục được gia hạn giảm thuế VAT.

Theo đề xuất được phê duyệt, giảm 2% thuế VAT sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bởi vậy, một số doanh nghiệp Hà Nội cũng kỳ vọng thuế sẽ được giảm trên tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mới giảm được chi phí trung gian.

Bà Nguyễn Mai Hương - Giám đốc Công ty TNHH ATV (H16, ngõ 28, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Bản chất của việc giảm thuế VAT là doanh nghiệp sẽ được khấu trừ tương ứng đầu vào với đầu ra. Nếu được giảm thuế VAT trên tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm được chi phí trung gian. Theo tôi, chính sách giảm thuế nên kéo dài hết năm tài khóa 2024. Bởi theo dự báo, kinh tế thế giới chưa hết khó khăn và thậm chí năm sau vẫn còn khó hơn, nhiều yếu tố khó lường”.

Theo bà Hương, mục tiêu giảm thuế là để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy cả nền kinh tế tăng trưởng, do đó không nên phân biệt các ngành được ưu đãi. Không nên lo sợ hụt thu ngân sách vì khi kinh tế phục hồi và tăng trưởng cao thì chắc chắn các nguồn thu khác sẽ tăng theo.

Tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, thuế VAT là một khoản thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng và tính theo mỗi công đoạn của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng. Tổng số thuế phải thu ở mỗi công đoạn trong dây chuyền kinh tế là một tỷ lệ cố định đối với phần giá trị gia tăng được công đoạn kinh doanh thêm vào trong sản phẩm. Hàng xuất khẩu thường không phải chịu thuế VAT, hoặc nói cách khác, VAT đối với người xuất khẩu được hoàn lại. Các doanh nghiệp có thể được hoàn lại VAT đối với nguyên vật liệu và dịch vụ mà họ mua để tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ tiếp theo để trực tiếp hay gián tiếp bán cho người sử dụng cuối.

Luật sư Nguyễn Văn Dũng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Chính phủ cần đề xuất để Quốc hội thông qua việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT cho cả năm 2024 để thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và hỗ trợ người dân; từ đó góp phần thúc đẩy gia tăng sản xuất, phục hồi kinh tế. Lợi ích lớn nhất của việc giảm thuế là để giảm giá hàng hóa đến tay người dân, góp phần tăng sức mua, kích thích sản xuất trong nước khi thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Nếu như được áp dụng đồng loạt cho tất cả hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện và chắc chắn hiệu quả sẽ lan rộng hơn.

Hiện có hai cách tính thuế VAT là theo phương pháp khấu trừ và theo phương pháp trực tiếp. Thuế VAT được tách riêng ra ngoài phần doanh thu doanh nghiệp nếu tính theo phương pháp khấu trừ, còn theo phương pháp trực tiếp thì thuế VAT gộp chung với doanh thu bán hàng.

Ở Việt Nam, mức thuế VAT phổ biến nhất cho các loại hàng hóa là 10%. Nghĩa là, một mặt hàng thông dụng doanh nghiệp mua về để bán đều có sẵn trong đó 10% thuế VAT, nhưng cũng có các loại mặt hàng hóa đặc biệt chỉ chịu thuế suất là 5%, thậm chí có loại là 0%.

Là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Do đó, việc giảm thuế VAT không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng, mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết để tạo điều kiện phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay, góp phần trực tiếp và gián tiếp duy trì việc làm, thu nhập người lao động và nguồn thu mới cho ngân sách Nhà nước.

Phân tích thêm về lợi ích của việc giảm thuế VAT, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, thuế VAT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền.

Bên cạnh đó, những tác động tích cực của việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% còn giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế VAT khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn.

“Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Phong, để thụ hưởng việc giảm thuế, doanh nghiệp cần xác định mã hàng hóa thuộc diện giảm thuế VAT; điều chỉnh giá đã in sẵn trên tem, vé, thẻ tại các khu du lịch, trạm kiểm soát.

Nhìn chung, việc giảm 2% thuế VAT đang và sẽ giúp cho các cơ sở kinh doanh, người dân được hưởng lợi và nền kinh tế có thêm động lực phục hồi kinh doanh, thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ thiết thực, trực tiếp và hiệu quả nhất của Nhà nước; đồng thời, đòi hỏi Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, tăng cường triển khai hiệu quả các Luật Thuế và quản lý thu ngân sách Nhà nước chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế... bù vào phần hụt thu ngân sách Nhà nước do giảm thuế.

Bảo Thoa - Hà Phong
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết