Lộ phân khúc bất động sản sẽ “ngược dòng nước” trong năm hai năm tới
Theo Avison Young Việt Nam, phân khúc bất động sản thương mại gồm công nghiệp, văn phòng và bán lẻ trụ vững xuyên suốt năm 2023 trong khi loại hình nhà ở thêm một năm trầm lắng.
David Jackson, Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam cho biết, dù mức độ ảnh hưởng và tốc độ hồi phục khác nhau tùy từng phân khúc, triển vọng chung của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tích cực. Tâm lý thị trường đã cải thiện. Một số luật sửa đổi về bất động sản đã được thông qua và Luật Đất đai 2023 (sửa đổi), vốn được mong đợi từ lâu, dự kiến được thông qua vào đầu 2024.
“Khung quy định pháp lý, hành chính ngày càng hoàn thiện và các biện pháp ổn định thị trường bất động sản đã phần nào đem lại niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Jackson nhấn mạnh.
Theo vị này, các nhà đầu tư nước ngoài đã tìm kiếm và mở rộng danh mục đầu tư bất động sản tại Việt Nam trong suốt hai năm qua khi thị trường giảm tốc. Các phân khúc được chú ý gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và khách sạn. Tuy nhiên, một số nút thắt pháp lý và tài chính kéo dài đã góp phần khiến giao dịch chậm lại. Với các luật và quy định mới, dự kiến thị trường sẽ bật lên rõ rệt hơn từ năm 2025.
Năm thuận buồm xuôi gió với bất động sản công nghiệp
Dù biến động làm trì hoãn một số giao dịch, phân khúc bất động sản công nghiệp đã có một năm hoạt động tương đối suôn sẻ với hầu hết chỉ số tăng trưởng tích cực. Trên khắp cả nước, giá thuê đất ổn định, thậm chí tăng nhẹ tại Hà Nội, với tỷ lệ lấp đầy cao. Năm 2023, thị trường cũng ghi nhận nhiều dự án khởi công hoặc hình thành, hứa hẹn bổ sung nguồn cung đất và cơ sở công nghiệp mới, chất lượng cao trong những năm tới.
Tính đến hết 2023, giá thuê đất công nghiệp tại Tp.HCM đạt trung bình 232 USD/m2/kỳ hạn. Khách thuê lấp đầy 93% tổng diện tích, tăng nhẹ so với cuối 2022. Tại Hà Nội, giá thuê trung bình đạt 188 USD/m2/kỳ hạn với tỷ lệ lấp đầy ở mức 90%. Chính quyền cả hai thị trường đã lập kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang những mô hình công nghiệp mới, hiện đại hơn nhằm phục vụ các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại và giá trị cao.
Nguồn cung văn phòng hạng A tăng mạnh, giá thuê hai phân hạng chững lại
Trái ngược với đà tăng những năm trước, giá thuê văn phòng tại Việt Nam năm 2023 giảm nhẹ. Tính đến quý cuối năm 2023, văn phòng hạng A và B tại khu vực trung tâm Tp.HCM có giá thuê trung bình lần lượt là 60,5 USD/m2/tháng và 35,5 USD/m2/tháng, giảm 2,4% (hạng A) và 1,4% (với hạng B) so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá thuê văn phòng hạng A và B ở trung tâm Hà Nội đạt lần lượt 34,5 USD/m2/tháng và 25,8 USD/m2/tháng, giảm nhẹ so với cuối 2022. Tỷ lệ lấp đầy hai thị trường này khá ổn định.
Thị trường giảm tốc và tính cạnh tranh gia tăng do có thêm các tòa nhà mới đi vào hoạt động là hai nguyên nhân chính kéo giảm giá thuê văn phòng. Dù thuê mới, mở rộng hay chuyển địa điểm, quyết định của khách thuê đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như biến động kinh doanh, sự điều chỉnh cấu trúc chi phí và nhân sự theo mô hình linh hoạt, các yêu cầu về sức khỏe và an sinh cũng như cam kết về ESG.
Dòng nước ngược xuôi trong các loại hình mặt bằng bán lẻ
Dữ liệu từ Avison Young cho thấy, giai đoạn sức tiêu dùng yếu hai năm qua đã dẫn đến làn sóng trả mặt bằng kinh doanh ở nhà phố và các khối đế thương mại quy mô nhỏ. Riêng với trung tâm thương mại (TTTM), nhờ lợi thế tiềm lực tài chính, các chủ đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm kiếm quỹ đất phù hợp và đầu tư vào dự án mới trong năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, giá thuê TTTM tại trung tâm Tp.HCM dao động trong khoảng 46-300 USD/m2/tháng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài trung tâm, giá thuê cũng tăng nhưng biên độ thấp hơn, ở mức 2% và đạt 20-115 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường ghi nhận ổn định, trong đó, phần nào nhờ có sự chuyển đổi công năng của một số mặt bằng khối đế sang cho thuê văn phòng khi tình hình cho thuê bán lẻ không hiệu quả.
Bà Đỗ Thị Xuân Trang, Trưởng phòng, Dịch vụ Bán lẻ tại Avison Young Việt Nam đánh giá, những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, đặc biệt ở thế hệ Millenials và Gen-Z chắc chắn sẽ thúc đẩy không gian bán lẻ chuyển đổi. Trong khi nhóm mặt bằng kinh doanh nhỏ lẻ chưa thực sự chuyển biến, các phân khúc trung tâm thương mại và khu phức hợp bán lẻ đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Nhà bán lẻ sẽ ngày càng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp bán hàng đa kênh trong bối cảnh quỹ đất TM-DV trong một đến ba năm tới sẽ hạn chế.
Phân khúc căn hộ và nhà liền thổ cả nước tiếp tục đi qua một năm trầm lắng
Thách thức kéo dài xuyên suốt năm 2023 trong phân khúc căn hộ và nhà liền thổ. Nguồn cung chênh lệch, giá đất và chi phí xây dựng ngày càng tăng, điểm nghẽn tài chính và kỳ vọng không tương xứng của các bên tham gia thị trường kéo thanh khoản tuột dốc, khiến phân khúc nhà ở năm 2023 trở nên yên ắng.
Theo Avison Young Việt Nam, phân khúc nhà ở được kỳ vọng có sự cải thiện từ năm 2025 trở đi nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong hai năm qua và khi các luật bất động sản mới có hiệu lực. Ngoài ra, hoạt động M&A sẽ mang đến những gương mặt chủ đầu tư mới thông qua các thương vụ hợp tác góp vốn hoặc mua bán cổ phần.
Hạ Vy