A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam và triển vọng trong bối cảnh đại dịch

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%, tuy là mức tăng chưa cao, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của nước ta. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, cố gắng của người dân để thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Tác động của COVID-19 đến nền kinh tế

Nền kinh tế toàn cầu đã dần phục hồi trong năm 2021, nhưng vẫn đang phải đối mặt với viễn cảnh bất định trong ngắn hạn do sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 mới. Sau hai năm khủng hoảng COVID-19, quá trình phục hồi chưa đồng đều trên toàn cầu vẫn đang diễn ra, nhưng động lực đã yếu đi bởi nhiều bất định và rủi ro khác nhau. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo tăng trưởng 4,2%; tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5,5%.

Nước ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài từ tháng 4, nên đã làm chệch quá trình phục hồi kinh tế trong quý III năm 2021 (GDP quý 3 năm 2021 giảm 6,02%). Sau đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài và gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề. Nước ta phải vật lộn với những đợt giãn cách kéo dài tại các trung tâm kinh tế của đất nước, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các vùng lân cận khiến cho GDP giảm hơn 6% trong quý 3/2021. Hệ quả là GDP của nước ta năm 2021 ước tính chỉ tăng trưởng 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12 năm 2020.

Mặc dù đợt bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 4/2021 với tỷ lệ xét nghiệm và tiêm vắc-xin còn thấp, nhưng các cấp có thẩm quyền đã ứng phó một cách nhanh chóng và triển khai tiêm vắc-xin diện rộng trên toàn quốc. Từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 12 năm 2021, trên 75% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và trên 55% đã được tiêm đầy đủ hai mũi. Nỗ lực tiêm vắc-xin đã tạo điều kiện cho Chính phủ chuyển từ chính sách “không COVID-19” với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và tổn thất kinh tế nghiêm trọng nhằm giảm thiệt hại về người sang chính sách “sống chung với COVID-19”, theo đó nền kinh tế được mở cửa trở lại trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tễ.

Thực tế cho thấy, đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021 đã gây thiệt hại đáng kể cho người lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp. Đợt bùng phát dịch này đã làm trầm trọng thêm tình hình thị trường lao động. Thị trường lao động của Việt Nam vốn chưa phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch tại thời điểm đợt dịch này bắt đầu. Các đợt giãn cách xã hội vào quý 3/2021 gây ảnh hưởng đến khoảng 28,2 triệu lao động, trong đó khoảng 2,5 triệu người bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục lên mức 3,7%. Thu nhập thực tế bình quân của người lao động bị giảm 12,6% trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước. Theo khu vực kinh tế, với biện pháp giãn cách xã hội, lao động trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tình trạng mất việc làm, buộc phải nghỉ không lương, bị giảm giờ làm hoặc giảm lương, tuy giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và đảm bảo việc làm trong tương lai, nhưng lại ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Về địa lý, khu vực Đông Nam bộ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số việc làm bị mất việc làm (52%) và phải chứng kiến hai đợt lao động nhập cư trở về quê. Một nhóm lao động nhập cư đã rời đi trước khi thực hiện phong tỏa, gây ra tình trạng thiếu lao động, và nhóm thứ hai rời đi ngay sau khi mở cửa trở lại, khiến tình trạng thiếu lao động trở nên trầm trọng hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người đã trở về quê, trong đó hơn một nửa là về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với việc các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và nền kinh tế mở cửa trở lại, tình hình thị trường lao động đã cải thiện trong quý 4/2021, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi phục hồi hoàn toàn.

Doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt giãn cách vào quý 3/2021, nhưng niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi trong những tháng cuối năm. Theo Điều tra tình trạng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ tháng 9 đến tháng 11/2021, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa tại Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt cao (35%). Trong số những doanh nghiệp còn mở cửa, có đến 57% phải cắt giảm giờ làm. Tổng doanh số trong giai đoạn từ tháng 9 - tháng 11/2021 bị giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dòng tiền chỉ suy giảm nhẹ nhờ các chính sách hỗ trợ và phương thức quản lý thận trọng hơn của các doanh nghiệp. Trong thực tế, 57% doanh nghiệp cho biết họ đã nhận được một phần hỗ trợ của Chính phủ so với tỷ lệ 19% trong tháng 6/2020 và 36% trong tháng 1/2021.

Về tài chính tiền tệ, cung tiền và tín dụng được mở rộng nhanh chóng đã đảm bảo thanh khoản dồi dào, trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng trong năm 2021 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Do đó, tăng trưởng tín dụng liên tục cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào trong khủng hoảng. Bất chấp cung tiền tăng nhanh và giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới lên cao, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 1,84% nhờ giá lương thực, thực phẩm ổn định và sức cầu trong nước yếu. Và, chính sách tài khóa thắt chặt được thực hiện trong phần lớn thời gian của năm 2021, dù dư địa tài khóa vẫn còn dồi dào. Đến tháng 11/2021, ngân sách dự kiến bội thu 120,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,2 tỷ USD).

 Kết quả này có thể được lý giải bằng một số yếu tố như: Bất chấp khủng hoảng, tổng thu ngân sách đến tháng 11/2021 đã vượt dự toán. Mặt khác, tổng chi ngân sách thấp hơn nhiều so với kết quả năm 2020. Ngoài ra, ứng phó của Chính phủ với đợt bùng phát dịch COVID-19 trong quý 3 và khủng hoảng sau đó vẫn tương đối khiêm tốn và manh mún về quy mô. Các cấp có thẩm quyền đã công bố một số gói hỗ trợ tài khóa trong năm 2021 dành cho doanh nghiệp (vào tháng 4, tháng 9 và tháng 10), dành cho hộ gia đình và người lao động khu vực phi chính thức (vào tháng 7) tổng cộng bằng 2,5% GDP; nhưng do những thách thức trong triển khai nên tổng mức hỗ trợ chỉ đạt khoảng 1,8% GDP, chủ yếu qua biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế đến cuối năm.

Mặc dù ngân sách bội thu trong 11 tháng đầu năm, nhưng cân đối thu, chi của Chính phủ của cả năm 2021 vẫn ghi nhận bội chi tương đương 4,8% GDP. Thu ngân sách cả năm 2021 cao hơn khoảng 1,0% so với năm 2020, và các cấp có thẩm quyền cũng đã cố gắng tăng chi ngân sách từ thời điểm mở cửa lại nền kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội. Ví dụ, tổng chi ngân sách tháng 11 đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 4/2021 nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (tăng hơn 150% so cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2021, giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn thấp hơn khoảng 36% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy ngân sách đã chi ước tính khoảng 570 nghìn tỷ đồng (tương đương 24,6 tỷ USD) trong tháng 12/2021, dẫn đến ngân sách cả năm bội chi khoảng 316 nghìn tỷ đồng (13,6 tỷ USD).

Triển vọng của nền kinh tế

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong thời gian tới, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng trở lại từ 2,58% năm 2021 lên 5,5% vào năm 2022, và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5%, nhưng những rủi ro tiêu cực vẫn ở mức cao và đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải có biện pháp chủ động ứng phó. Dự báo này được Ngân hàng Thế giới dựa trên giả định là đại dịch sẽ được kiểm soát cả trong nước và quốc tế. Trong điều kiện như vậy, kết hợp với nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và dịch tễ, khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi phần nào khi nhà đầu tư và người tiêu dùng củng cố niềm tin vào năm 2022. Khách du lịch quốc tế cũng được kỳ vọng sẽ bắt đầu quay trở lại từ giữa năm 2022 trở đi, giúp cho ngành du lịch từng bước phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu ổn định tại các nền kinh tế Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, do các quốc gia này tiếp tục tăng trưởng mặc dù với tốc độ chậm hơn. Chính sách tài khóa có thể sẽ được nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 vì các cấp có thẩm quyền đang cân nhắc ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới vào đầu năm. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, các cấp có thẩm quyền nên quay lại với củng cố tài khóa từ năm 2023.

Triển vọng ngắn hạn và trung hạn nêu trên vẫn ẩn chứa một số rủi ro nghiêm trọng. Dịch COVID, bao gồm các biến thể như Omicron có thể bùng phát trước khi vắc-xin được phủ trên diện rộng, buộc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và làm chậm quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực. Tại Việt Nam, duy trì tốc độ tiêm vắc-xin cao, áp dụng mũi tiêm thứ 3 bổ sung cho người dân trong năm 2022, và duy trì thực hiện “Thông điệp 5K” trên toàn quốc sẽ giúp làm giảm rủi ro biến thể mới lây lan trong cộng đồng. Nhiều quốc gia không còn nhiều dư địa để áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm xử lý khủng hoảng kéo dài. Điều đó càng làm tăng bất định và rủi ro cho đà phục hồi trên toàn cầu, và cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, dự báo sẽ giảm lần lượt xuống còn 3,8% và 5,1% trong năm 2022. Điều này càng làm tăng bất định và rủi ro cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu, qua đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Do đó, bên cạnh những bất định liên quan đến cấp độ ảnh hưởng của đại dịch, các cấp có thẩm quyền cần tiến hành những biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của rủi ro tài khóa, rủi ro xã hội và rủi ro ở khu vực tài chính.

Mặt khác, không giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn dư địa tài khóa đáng kể. Trong ngắn hạn, Chính phủ đang thảo luận gói phục hồi kinh tế thiết thực, dự kiến sẽ thực hiện trong hai năm 2022-2023, nhưng chi tiết về gói hỗ trợ vẫn chưa được thiết lập đầy đủ tính đến thời điểm đầu tháng 1/2022. Với gói phục hồi kinh tế đang trong quá trình hoàn thiện và thông qua, Chính phủ có thể đảm bảo có hỗ trợ cho chương trình xã hội như mạng lưới an sinh, hỗ trợ chi sự nghiệp giáo dục và y tế vì đây là hai ngành đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Chính phủ cũng có thể sử dụng một phần ngân quỹ dự trữ để tài trợ cho các chương trình xã hội ngắn hạn.

Hiện nay, khi nhiều biện pháp hạn chế đi lại trong nước đã được nới lỏng, các dự án đầu tư công có thể được đẩy nhanh tiến độ triển khai cả ở cấp trung ương và địa phương. Ngoài ra, vì đẩy mạnh chi tiêu công cần có thời gian thực hiện do những trở ngại hành chính và thể chế, Chính phủ nên cân nhắc các công cụ thu ngân sách, chẳng hạn giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời để kích cầu từ khu vực tư nhân. Chính phủ cũng có thể áp dụng sắc thuế nhỏ đối với giao dịch tài chính để tăng nguồn thu phục vụ nhiệm vụ chi đảm bảo xã hội. Trong dài hạn, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là cách để hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng của đất nước trong giai đoạn triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và chuyển đổi sang lộ trình tăng trưởng xanh, số hóa và bền vững hơn.

Xử lý những tác động xã hội của đại dịch. Đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021 đã để lại những tác động khó phai cho thị trường lao động và thu nhập của hộ gia đình. Thu nhập hộ gia đình giảm xuống có thể ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư và tiêu dùng, và qua đó ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Tăng chi thường xuyên trong ngắn hạn cho y tế và giáo dục có thể giúp loại bỏ một số tác động của khủng hoảng đối với người dân, đồng thời lại giúp kích thích kinh tế. Ví dụ, cung cấp máy tính bảng hoặc đảm bảo khả năng tiếp cận internet cho trẻ em có thể giúp hỗ trợ nâng cao kết quả học tập qua hình thức học trực tuyến. Đẩy mạnh kiểm tra sức khỏe và các hoạt động dinh dưỡng sẽ giúp trẻ em tránh suy dinh dưỡng thể thấp còi - hiện vẫn đang là vấn đề của Việt Nam. Các cấp có thẩm quyền cũng nên đánh giá toàn diện các chương trình đảm bảo xã hội để cải thiện việc xác định đối tượng hưởng lợi, phạm vi và hiệu quả.

Trong trung hạn, đánh giá chương trình đảm bảo xã hội và phát triển cơ sở dữ liệu điện tử để thống nhất dự liệu về đối tượng thụ hưởng tiềm năng và việc cung cấp dịch vụ sẽ là bước đi quan trọng nhằm cải cách hệ thống và đảm bảo nạn nhân của các cú sốc thiên tai và kinh tế trong tương lai sẽ được hỗ trợ đầy đủ.

Về cải cách khu vực tài chính, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc một số vấn đề cần hành động. Các nhà hoạch định chính sách nên ban hành một chiến lược gỡ bỏ dần các biện pháp cứu trợ ngay khi tình hình cho phép để tiếp tục đảm bảo kỷ cương và quản trị rủi ro và tài chính lành mạnh. Các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo các ngân hàng sẵn sàng thực hiện các biện pháp xử lý nợ sớm và hiệu quả trong quá trình giải quyết nợ xấu. Các biện pháp đó bao gồm thiết lập hoặc tăng cường cơ chế tái cơ cấu nợ nói chung và thu hồi theo pháp luật thông qua cưỡng chế tài sản đảm bảo, xóa nợ, và bán hoặc mua bán nợ.

Các nhà hoạch định chính sách cũng cần tăng cường giám sát an toàn nhằm tạo điều kiện xác định sớm những ngân hàng có vấn đề và tăng cường cơ chế xử lý đối với những ngân hàng đó, nhưng không hạn chế ở các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng, tách riêng tài sản, sáp nhập, mua lại, cứu trợ, tái vốn hóa và thanh lý. Các cấp có thẩm quyền cũng cần đẩy mạnh áp dụng các quy tắc an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II cho tất cả các ngân hàng đang hoạt động…/.

Đặng Hiếu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...