A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Cầu tiêu dùng quốc tế đang phục hồi nhưng trong nước vẫn yếu

Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2024 vừa được WB công bố cho thấy, nhu cầu tiêu dùng quốc tế đang phục hồi nhưng trong nước vẫn yếu.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2024. Theo đó, WB cho rằng, sản xuất công nghiệp tăng mạnh nhờ xuất khẩu cải thiện trong tháng 5. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng 2,6%, mức tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực chế biến chế tạo như máy móc và thiết bị, tăng 9,8% và máy tính và sản phẩm điện tử, tăng 2,2%. So với cùng kỳ năm trước, IIP tăng 8,9% so với mức tăng 0,5% vào tháng 5/2023, do xuất khẩu mạnh hơn và hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm ngoái.

4037-oknh-6
Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong khi nhu cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi, thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn

“Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế biến chế tạo vẫn duy trì ở mức 50,3% trong tháng 5, số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên, báo hiệu việc mở rộng sản xuất nhanh hơn ở những tháng tới” – báo cáo của WB nhấn mạnh.

Xuất khẩu và nhập khẩu cũng được ghi nhận tăng mạnh trong tháng 5/2024, cụ thể xuất khẩu hàng hoá răng 6,5% nhờ các sản phẩm công nghệ cao, trong khi tháng 4/2024 ghi nhận mức giảm so với tháng 3/2024. Đồng thời, nhập khẩu trong tháng 5 tăng 9,5% so với mức giảm 0,6% so với tháng 4.

So với cùng kỳ năm 2023 cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt tốc độ tăng trưởng khá lớn, lần lượt là 15,8% và 29,9% trong tháng 5/2024, một phần do hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm 2023.

“Tăng trưởng nhập khẩu cao hơn so với tăng trưởng xuất khẩu dẫn đến thặng dư thương mại giảm trong tháng 5/2024, nhưng cũng báo hiệu nhu cầu xuất khẩu tăng” – WB dự báo.

Doanh số bán lẻ có dấu hiệu phục hồi, doanh số bán lẻ hàng hoá tháng 5/2024 đạt mức tăng trưởng 1,2% so với mức 0,5% trong tháng 4 và so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tăng 3,3%, trong khi tháng 5/2023 ghi nhận mức tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022, điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng yếu kéo dài.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được đánh giá ổn định, cam kết thu hút FDI đạt 11,07 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân FDI 5 tháng cũng đạt 8,3 tỷ USD, cao hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu ngân sách tăng lên trong tháng 5/2024, đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 52,8% dự toán và luỹ kế 5 tháng đầu năm tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng chi tiêu công lại có dấu hiệu chậm lại, đạt khoảng 656,7 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng, bằng 31% dự toán và chỉ cao hơn 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân đầu tư công ước đạt 148,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong khi nhu cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi, thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn. Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước, tuy nhiên trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá, do vậy WB khuyến nghị cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết