A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp ngoài dự báo

Trong quý I/2023 tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh ở mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm.

Sáng 1/4, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3/2023.

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp ngoài dự báo
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp

Kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2023 chỉ đạt 360.622,1 tỷ đồng và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 - thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60% (công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,80%) và có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm gồm: Vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,70%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Trong đó, với ngành công nghiệp, báo cáo cho thấy, trong quý I/2023 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 0,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,0%). Việc chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố giảm xuất phát từ các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, da giày… gặp nhiều khó khăn do cầu thị trường thế giới giảm, kéo theo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chỉ ở mức cầm chừng. Điều này thể hiện rõ rệt qua giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý I/2023 đã giảm mạnh tới 16,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 3,5%.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định: Thành phố hội nhập sâu rộng, bởi vậy, các hoạt động đều chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, mặc dù thành phố đã lường trước được tình hình nên năm 2023 đã đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022 nhưng không ngờ kết quả quý I lại xuống sâu như thế. “Có thể coi 4 quý trong năm như 4 trận đấu vòng loại, trong trận đầu tiên, thành phố đã thua đậm, ba trận còn lại (quý II, III, IV/2023) phải lấy lại những gì đã mất”- Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp ngoài dự báo
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA phát biểu và nêu những đề xuất của HUBA

Tìm cách lấy lại những gì đã mất

Có thể thấy với mức tăng trưởng thấp trong quý I/2023 thì việc đưa ra các giải pháp nhằm kéo tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% - 8% năm 2023 là vô cùng cấp bách.

Đề xuất giải pháp cho thành phố lấy lại đà tăng trưởng, đai diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) đề xuất, đối với vấn đề tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Cùng với đó Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Theo đó thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó, điều này giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu phải chia đều nợ phải trả theo Thông tư 01/NHNN-TT.

Cũng theo HUBA, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, theo HUBA, chương trình kích cầu thông qua đầu tư triển khai đã hơn 20 năm qua nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để các chủ đầu tư thực hiện dự án. Chương trình đã mang lại thành công cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 02 năm nay chương trình bị dừng lại không triển khai làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành liên quan. Do đó, Thành phố xem xét khơi thông lại chương trình kích cầu đầu tư nhằm giải cứu cho doanh nghiệp đã tham gia mà không được giải ngân.

Riêng đối với hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng, HUBA cho rằng, cần tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả việc liên kết giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, có lộ trình, có theo dõi, kiểm tra và đánh giá để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả trên cơ sở tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh từng địa phương.

Ngoài ra, Thành phố và các sở ngành cũng cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, nhất là hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước.


Tác giả: Mai Ca
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết