A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương

Hơn 67 doanh nghiệp của Khánh Hòa và Đắk Lắk được tạo cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển

Sáng 31/5, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Sở Công Thương tỉnh Khánh Hoà và Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức hội nghị kết nối giao thương. Hội nghị thuộc chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, được ký kết hồi tháng 2/2023.

Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương
Các đại biểu thực hiện nghi thức bắt tay kết nối. Ảnh: Đức Thảo

Khánh Hòa và Đắk Lắk là hai tỉnh liền kề nhưng lợi thế, tiềm năng hoàn toàn khác biệt. Đắk Lắk phù hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất với các sản phẩm chủ lực là cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca...

Trong khi đó, Khánh Hòa có lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sâu các loại thủy, hải sản, yến sào… và du lịch biển. Hàng năm, thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.

Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương
Các đại biểu tham quan gian hàng của tỉnh Đắk Lắk tại hội nghị. Ảnh: Đức Thảo

Trong Biên bản hợp tác phát triển giữa hai tỉnh, Khánh Hòa đã cụ thể hóa bằng cách ban hành bản kế hoạch thực hiện, trong đó lĩnh vực xúc tiến thương mại, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai tỉnh để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Hội nghị lần này được tổ chức là cầu nối giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của hai tỉnh có cơ hội gặp gỡ, hợp tác kinh doanh, giới thiệu trưng bày các sản phẩm nông sản tiêu biểu đặc trưng, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cùng liên kết sản xuất, mở rộng thị trường.

Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương
Các gian hàng trưng bày bắt mắt, thể hiện được nét đặc trưng, dấu ấn của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thảo

Tại hội nghị, ngành chức năng tập trung lắng nghe, trao đổi, giải quyết các ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Phát huy tiềm năng, phát triển mạnh mẽ

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Nông Trại EDE (Đắk Lắk) cho hay, với xu thế sản phẩm cà phê chất lượng cao góp phần tạo ra thói quen tiêu dùng mới trong ngành bán lẻ cà phê, ca cao nước ta. Các nhà mua hàng nói chung, và tại Khánh Hòa nói riêng sẽ là cầu nối quan trọng nhằm giới thiệu cà phê, ca cao Việt tới người tiêu dùng nội địa và khách du lịch quốc tế.

Khánh Hoà là địa phương có lượt khách du lịch thuộc top đầu cả nước, đặc biệt là lượt khách quốc tế. Đắk Lắk với lợi thế tỉnh giáp ranh, gần gũi, đặc biệt tuyến cao tốc nối hai địa phương đang xây dựng, khi hoàn thiện sẽ giúp thu hút lượng lớn khách từ Phố Biển ghé thăm Cao nguyên Buôn Ma Thuột, đồng thời tiết kiệm chi phí logistic, giúp sản phẩm có giá cạnh tranh.

"Nhiều doanh nghiệp Khánh Hoà có thế mạnh về cơ khí và nhập khẩu máy móc cơ khí, trong đó có một số đơn vị mạnh về máy móc chế biến cà phê. Đây cũng là một điểm mạnh mà các doanh nghiệp hai tỉnh kết nối hậu hội nghị được lâu bền hơn", ông Hữu chia sẻ.

Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thươngKhánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương
Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thươngKhánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương
Một số sản phẩm đặc trưng được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Đức Thảo

Bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 siêu thị tổng hợp lớn của các doanh nghiệp bán lẻ, được phép mua 30-40% lượng hàng hóa tại tỉnh, khu vực, đây là điều kiện rất lớn giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kết nối, đưa hàng lên kệ siêu thị.

Bà Cúc cũng cho rằng, doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa hoạt động kết nối giao thương, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đức Thảo

Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp hai tỉnh chủ động cùng chia sẻ, kết nối và hợp tác với nhau cùng phát triển. UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo các cơ quan của tỉnh tiếp tục phối hợp, triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

"Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đảm bảo triển khai đầy đủ các nội dung trong Biên bản thỏa thuận giữa hai tỉnh, đảm bảo hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương", ông Hoàng đề nghị.

Khánh Hòa và Đắk Lắk bắt tay kết nối giao thương
Tại hội nghị, các doanh nghiệp hai tỉnh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, đầu tư; các siêu thị cũng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, nhà cung cấp để đưa sản phẩm vào siêu thị. Ảnh: Đức Thảo

Tác giả: Đức Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết