A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng hóa Việt Nam có thêm cơ hội chinh phục thị trường Mỹ

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cuộc trao đổi được đánh giá là bước ngoặt chiến lược trong quan hệ song phương, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Nội dung đối thoại không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị của hai nhà lãnh đạo mà còn mở ra triển vọng mới cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường số một thế giới. Đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ giảm đáng kể mức thuế đối ứng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, coi đây là bước đi thiện chí sau khi Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho một số sản phẩm chiến lược của Hoa Kỳ.

Thuế đối ứng: Rào cản lớn đã bắt đầu được tháo gỡ

Trong nhiều năm qua, hàng hóa Việt Nam, mặc dù có chất lượng ngày càng cải thiện và năng lực cạnh tranh tăng, vẫn phải chịu mức thuế đối ứng cao khi vào thị trường Mỹ. Tỷ lệ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trung bình đối với một số mặt hàng Việt Nam vào Mỹ cao hơn từ 10 đến 20% so với các quốc gia đã được công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây chính là rào cản lớn khiến doanh nghiệp Việt khó gia tăng thị phần tại Hoa Kỳ -vốn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.

      Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng. Ảnh: KHÁNH AN 

Tuy nhiên, với cam kết từ Tổng thống Donald Trump: "Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho hàng Việt", cánh cửa mới đã được mở ra. Đặc biệt, theo nội dung ông Donald Trump đăng trên mạng xã hội sau cuộc điện đàm, Hoa Kỳ sẽ áp thuế 20% đối với hàng hóa từ Việt Nam vào lãnh thổ Mỹ-thấp hơn nhiều so với mức thuế đang áp dụng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ được tiếp cận toàn diện vào thị trường Việt Nam, bao gồm thuế bằng 0% cho nhiều mặt hàng của Mỹ.

Hiện nay, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí về nền kinh tế thị trường theo quy chuẩn quốc tế, nhưng việc chưa được Mỹ công nhận khiến doanh nghiệp Việt thường xuyên bị áp mức thuế cao, gây thiệt hại lớn cho kim ngạch xuất khẩu. Việc Hoa Kỳ tiến tới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ là tín hiệu mạnh mẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, tạo ra làn sóng đầu tư mới vào các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, đúng định hướng phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi.

Thương mại hai chiều: Nền tảng vững chắc để cất cánh

Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế đối tác thương mại hàng đầu tại Đông Nam Á của Mỹ. Những mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất sang Mỹ bao gồm dệt may, máy móc thiết bị, điện thoại và linh kiện, đồ gỗ, thủy sản... Tuy nhiên, phần lớn các mặt hàng vẫn mang tính gia công, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và dễ bị tổn thương trước các biện pháp phòng vệ thương mại. Việc phát triển thương mại hai chiều mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt, việc mở cửa thị trường cho xe phân khối lớn của Hoa Kỳ có thể đi kèm với điều kiện đối ứng là hàng nông sản, điện tử tiêu dùng, sản phẩm cơ khí chính xác từ Việt Nam được tiếp cận dễ dàng hơn thị trường Mỹ.

Việc thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt như khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số và năng lượng sạch cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Những cam kết cấp cao lần này sẽ là cú hích để dòng vốn Mỹ đổ vào các ngành công nghệ cao, hạ tầng số, AI và sản xuất xanh, những lĩnh vực mà cả hai bên cùng có nhu cầu và tiềm năng.

Chiến lược “có đi có lại”: Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Dù Hoa Kỳ cam kết giảm thuế, mở cửa nhưng chính sách thương mại của họ vẫn dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”. Việt Nam cần chủ động cải thiện môi trường pháp lý, bảo đảm minh bạch, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách thể chế đầu tư... để tiếp nhận làn sóng hợp tác mới từ Mỹ. Đồng thời, để tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm, gia tăng tính tuân thủ và minh bạch trong xuất xứ. Cuộc chơi mới đòi hỏi năng lực quản trị hiện đại, sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý và đặc biệt là định hướng chính sách xuất khẩu dựa trên giá trị thay vì chỉ số lượng.

Quan hệ Việt-Mỹ không chỉ là hợp tác song phương mà còn đóng vai trò quan trọng trong ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc hai nước thống nhất tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là nền tảng cho sự gắn kết lâu dài, dựa trên lợi ích chiến lược và giá trị tương đồng. Việt Nam đang chủ động kiến tạo hòa bình-hợp tác-phát triển dựa trên nền tảng đối thoại và tin cậy.

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump không chỉ là một sự kiện đối ngoại mà còn là đòn bẩy chiến lược tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế-thương mại song phương. Cơ hội vàng đã mở, Việt Nam cần hành động nhanh và quyết liệt. Hàng hóa Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội chinh phục thị trường Mỹ nếu biết tận dụng tốt thời cơ chính trị và chính sách mới. Tuy nhiên, cơ hội chỉ chuyển hóa thành lợi ích thực sự nếu chúng ta chủ động cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế độc lập-tự chủ, hội nhập sâu với thế giới. Trong kỷ nguyên hậu toàn cầu hóa, quan hệ Việt-Mỹ càng trở nên quan trọng và cần được thúc đẩy trên nền tảng công bằng, tôn trọng lẫn nhau và cùng phát triển bền vững.

PGS, TS NGÔ TRÍ LONG - Chuyên gia kinh tế


Tags: Mỹ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...