A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 7,79%

6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của thành phố ước tính tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 6,02%; quý II tăng 9,49%.

Công nghiệp, thương mại tăng trưởng tích cực

6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên TP. Hà Nội đã thực hiện tốt các giải pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 đạt được với xu hướng phục hồi nhanh và tích cực của nhiều ngành, lĩnh vực.

Hà Nội: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 7,79%

Hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi tích cực

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II ước tính tăng 9,49% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của thành phố ước tính tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 6,02%; quý II tăng 9,49%. Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây, đồng thời thể hiện xu hướng phục hồi, phát triển rõ nét qua từng quý của nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong đó, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tính tăng 9,05% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,4%; quý II tăng 11,68%), đóng góp 5,91 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021 (quý I tăng 5,95%; quý II tăng 6,61%), đóng góp 1,27 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP.

Cũng theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi tích cực. Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, giá nhiên liệu và nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Ước tính quý II/2022 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,7%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 7,0%; khai khoáng giảm 7,6%.

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội cùng cả nước thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh đã tiếp đà tích cực cho sự phục hồi của ngành thương mại, dịch vụ, nhất là trong quý II với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 336 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 218,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 65% tổng mức và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 61,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,4% và gấp 2,3 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 74,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,1% và tăng 11,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng sáu tăng 0,70% so với tháng trước, tăng 3,15% so với tháng 12/2021 và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Ước tính quý II kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.421 triệu USD, tăng 13,4% so với quý I và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,7 tỷ USD, tăng 16,6%.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm còn có một số khó khăn, thách thức như: Giá nhiên, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xây dựng và hàng hóa tiêu dùng tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và gây áp lực cho việc kiểm soát lạm phát; tốc độ tái đàn lợn còn chậm; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố, nhiệm vụ được thành phố Hà Nội đặt ra trong những tháng cuối năm đó là cần tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn thành phố; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần 2 (mũi nhắc lại) cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trước tháng 9/2022, phấn đấu đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, ổn định đời sống nhân dân.

Theo dõi chặt chẽ thị trường giá cả hàng hóa, trọng tâm là giá các mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu; giá lương thực, thực phẩm; vật liệu xây dựng và giá thức ăn chăn nuôi... để có chính sách, giải pháp kịp thời cân đối cung - cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững và các cân đối về điện, xăng dầu, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, thúc đẩy liên kết, hợp tác; tổ chức tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2022.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.


Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết