Gỡ "nút thắt” vốn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, ổn định tỷ giá là một vấn đề trọng điểm để điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách gần đây là bán ngoại tệ và tăng lãi suất điều hành đang khiến dòng tiền thị trường bị "thắt lại" và lãi suất cho vay sẽ tăng lên, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.
Luỹ kế từ đầu năm, tỷ giá đồng đô la so với đồng Việt Nam tăng khoảng 8,4%, mức tăng vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Ngân hàng Nhà nước đã coi ổn định tỷ giá là một vấn đề trọng điểm để điều hành chính sách tiền tệ. Một trong những chính sách mà cơ quan này đưa ra đó là bán ngoại tệ bình ổn thị trường và tăng lãi suất điều hành.
Ảnh minh họa: Phạm Diệp |
Tuy nhiên, hành động nào cũng có tính hai mặt, bán ngoại tệ và tăng lãi suất điều hành đều khiến dòng tiền thị trường bị "thắt lại" và lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Hệ quả cuối cùng là việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, kinh tế chậm phát triển. Với việc thị trường ngoại tệ đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực, đã có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên có những chính sách cởi mở hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường tài chính đang trong giai đoạn khó khăn, không thể đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu của nền kinh tế.
Tại đối thoại chuyên đề "Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô", chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, mối lo ngại về tỷ giá hối đoái cũng là một mối lo hợp lý. Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Trung ương đã đưa ra hàng loạt công cụ mà để xử lý bình ổn tỷ giá hối đoái ở mức có thể chấp nhận được so với đồng đô la.
Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương đã kích hoạt lại chỉ số OMO (kênh hút tiền trên thị trường mở), để trên nền tảng đó kiểm soát cung tiền tốt hơn. Thứ hai là đã dự trữ ngoại tệ ở mức vừa phải để ổn định tỷ giá hối đoái và tài trợ cho nhu cầu lớn, tức thì của các doanh nghiệp. Thứ 3 là tăng lãi suất 2 lần với cường độ tăng 1% một lần, đây là cường độ lớn. Và cuối cùng, Ngân hàng Trung ương đã điều chỉnh tỷ giá bán ngoại tệ và nới lỏng biên độ.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa so sánh: “Mỹ lạm phát 8% nhưng tăng lãi suất 0.75, Việt Nam lạm phát khoảng 3% nhưng tăng lãi suất 1%, đó là biện pháp rất mạnh tay. Mặc dù vậy, chúng tôi thấy từ đầu năm đến giờ tỷ giá vẫn biến động từ 9,5-9,6% và theo cách thức của Ngân hàng Trung ương thì chúng ta đang cố gắng cân bằng vĩ mô ở mức nhất định.
Chúng ta đã đạt được mức tăng tỷ giá thấp nhất trong khu vực, và cũng thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Trung Quốc lạm phát có 2,5% nhưng đồng nhân dân tệ đã mất giá so với đồng đô la khoảng 16-17%. Nhật Bản lên tới gần 40%, châu Âu khoảng 30%. Anh 35%, Thái Lan 17%,… Tôi cho rằng điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Trung ương từ đầu năm tới giờ cơ bản là thành công”.
Tuy nhiều, điều mà vị chuyên gia này băn khoăn nhất lại chính là việc điều hành lãi suất lên cao của hệ thống ngân hàng. Mặc dù lạm phát của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, nhưng lãi suất cho vay lại cao. Điều này tạo ra gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp và đặc biệt, là khi từ đầu quý 3 đến giờ, doanh nghiệp bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn thực sự.
Các chuyên gia cho rằng việc lựa chọn tỷ giá kéo theo phải tăng lãi suất sẽ tác động rất lớn đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như mục tiêu phục hồi kinh tế sau dịch. Ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định đây là vấn đề hết sức căng thẳng đối với doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất lên cao nhưng nhiều ngân hàng cũng không còn tiền để cho vay. Thực trạng là một số doanh nghiệp đã phải vay chợ đen để hoàn thành các dự án, phần lớn doanh nghiệp đang giảm rất nhiều nhân công, có doanh nghiệp giảm tới một nửa.
“Chúng ta phục hồi và đang có đà tăng trưởng rất tốt. Tình trạng này làm cho khan hiếm thanh khoản trong toàn bộ nền kinh tế, khiến đà phục hồi bị chững lại”, ông Nghĩa lo ngại.
Theo các chuyên gia, lãi suất gấp tới 3 lần lạm phát thì cách phân phối của nền kinh tế chưa hợp lý và hy vọng Ngân hàng Trung ương có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại vấn đề đối với doanh nghiệp. Đành rằng ai yếu thì sẽ bị đào thảo, nhưng đến 90% doanh nghiệp gặp khó khăn thì nền kinh tế sẽ không chịu đựng nổi.
“Hiện nay tôi đoán đến 95% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tôi đã tiếp cận những doanh nghiệp lớn, xưa nay làm ăn cẩn trọng về tài chính họ đang gặp khó khăn thực sự. Mặc dù khó khăn đó là sự cộng hưởng của nhiều vấn đề, nhưng trong đó có vấn đề lãi suất quá cao”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, phân tích ở một góc nhìn khác, chuyên gia Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Học viện Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất tăng cũng là một trong những yếu tố giúp cho doanh nghiệp, người vay điều chỉnh tư duy, điều chỉnh hành vi sử dụng đồng tiền trong kinh doanh. Hiện nay doanh nghiệp cũng đang quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi đó còn nhiều kênh dẫn vốn khác, bao gồm cả vốn tự có. Khi thị trường toàn cầu đang rất rủi ro, trong đó có Việt Nam, thì lãi suất cho vay cũng cần phải tính đến các rủi ro, cho nên lãi suất tăng là tất yếu.
“Tôi tán thành quan điểm, khi sóng gió mới biết được anh tài. Khi những doanh nghiệp không chịu được áp lực về vốn thì bắt buộc phải đào thải khỏi thị trường. Rõ ràng vừa qua vẫn có những nhà đầu tư nước ngoài mua vào chứng khoán Việt Nam, tôi nghĩ là họ cũng có những nhận định khách quan nhất định. FDI vào Việt Nam vẫn đạt được con số ổn định”, ông Nguyễn Đức Trung bày tỏ quan điểm.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, khi những áp lực về ngoại tệ, mức lạm phát được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây thực sự là bài toán đánh đổi giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Quyết định số 1809 điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Quyết định số 1809 điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm. |