Đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm nông lâm thuỷ sản, mặt hàng này liên tục đạt kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu rau quả đạt trên 2,9 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các mặt hàng nông lâm thuỷ sản.
Xuất khẩu rau quả hiện đứng sau gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản trong nhóm nông lâm thuỷ sản; đứng thứ 8/45 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Đáng chú ý, những tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu 2 mặt hàng “át chủ bài” của ngành nông nghiệp là thủy sản, gỗ giảm mạnh, thì xuất khẩu nhóm hàng rau quả đã liên tục lập những kỷ lục mới. Thêm nhiều loại trái cây Việt đã được "xuất ngoại".
Thanh long là một trong những loại quả xuất khẩu có kim ngạch tăng cao thời gian qua |
Con số xuất khẩu rau quả tính đến nửa đầu tháng 7 đã gần vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỉ USD của cả năm 2022. Trong đó, sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất.
Nếu những tháng còn lại của năm, xuất khẩu rau quả duy trì mức kim ngạch bình quân đã đạt được trong 7 tháng qua, thì kỳ vọng cả năm 2023 sẽ đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng 59,2% (2 tỷ USD) so với năm 2022.
Con số này rất có khả năng bởi tiềm năng thị trường xuất khẩu rau quả đang rộng mở, nhất là các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Trong những tháng đầu năm, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 27 thị trường chủ yếu, có 15 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 3 thị trường đạt trên 100 triệu USD (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc).
Bên cạnh đó, mới đây, Cục Kiểm dịch Động thực vật (APHIS) Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa gửi thư tới Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa (bỏ xơ) của Việt Nam. Kết quả cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể. Do đó, Các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc – một trong những thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam rất rộng mở khi thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu cho các loại nông sản. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc “bùng nổ” với kim ngạch lên tới 1,5 tỉ USD.
Xuất khẩu chuối cũng rất khả quan. Nhờ nghị định thư ký kết với Trung Quốc vào tháng 11/2022, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chuối có thể tăng thêm hàng trăm triệu USD trong năm nay. Bên cạnh đó, nếu tính cả nhu cầu tăng nhập chuối từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… thì năm 2023, xuất khẩu chuối có thể mang về doanh thu 700-800 triệu USD.
Từ nay đến cuối năm, dự báo, trong quý III và IV sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, nhãn, sầu riêng, mít, bơ... Như vậy có thể thấy nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, do đầu ra tốt hơn, nên thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, diện tích cây ăn quả trên cả nước đạt trên 650.000 ha; nhiều loại rau quả đang được trồng mới, chế biến, xuất khẩu có quy mô khá lớn như sầu riêng, vải, dứa…
Để xuất khẩu rau quả có thêm nhiều thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn...
Các chuyên gia cung khuyến cáo, bên cạnh việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt các mã số đó để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.