Đón "cú hích" từ đầu tư công, ngành xi măng vẫn thua lỗ
Sản xuất nguyên liệu không thể thiếu cho các dự án xây dựng, cầu đường, các doanh nghiệp xi măng vẫn thua lỗ nặng trong quý III, ngay cả khi trúng thầu các dự án đầu tư công.
Nội dung chính:
Loạt doanh nghiệp xi măng báo lỗ trong quý III do sản lượng tiêu thụ sụt giảm.
Thị trường xuất khẩu khó khăn, bất động sản trong nước trầm lắng… là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xi măng chưa thể phục hồi.
Đầu tư công chưa trở thành “cú hích” cho ngành xi măng.
Nhóm xi măng liên tiếp báo lỗ
Quý III năm nay chứng kiến kết quả kinh doanh đi xuống của nhóm ngành xi măng, điển hình là Xi măng Vicem Hoàng Mai, Xi măng Vicem Hà Tiên, Xi măng Bỉm Sơn…
Xi măng Vicem Hà Tiên (HoSE: HT1) đạt doanh thu 1.576 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu sụt giảm khiến công ty báo lỗ 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 36 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân về tình hình kinh doanh đi xuống, phía Vicem Hà Tiên cho hay sản lượng tiêu thụ xi măng đã giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vicem Hoàng Mai (HNX: HOM) là doanh nghiệp xi măng hiếm hoi trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư công ngay trong giai đoạn khó khăn của ngành bất động sản. Nhưng việc trúng thầu vẫn chưa đủ để công ty vực dậy kết quả kinh doanh. Doanh thu quý III của Vicem Hoàng Mai đã sụt giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, còn 461 tỷ đồng. Công ty báo lỗ 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 3,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận đi lùi là sản lượng sản xuất giảm; giá bán xi măng và clinker cùng giảm - theo giải trình từ công ty.
Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) lỗ 32 tỷ đồng trong quý III trong khi cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của doanh nghiệp này tính từ quý I/2014. Lý giải nguyên nhân, Vicem Bút Sơn cho biết sản lượng tiêu thụ trong quý III đã giảm gần 95.000 tấn so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí tài lãi vay tăng khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm.
Thua lỗ nặng nhất trong nhóm doanh nghiệp xi măng là Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) khi báo lỗ gần 56 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Xi măng Bỉm Sơn. Đồng thời, quý III/2023 cũng là quý Xi măng Bỉm Sơn có biên lãi gộp tệ nhất từ khi niêm yết trên HNX vào cuối năm 2006.
Đi ngược lại triển vọng
Ngành xi măng đã trải qua một năm 2022 đầy khó khăn. Sang 2023, khi ngành bất động sản chưa thể phục hồi, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là cú hích cho các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, trong đó có ngành xi măng.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, Công ty chứng khoán Agribank hồi giữa năm đưa ra dự báo nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng (đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép) sẽ được hưởng lợi khi loạt dự án đầu tư công được triển khai trong 6 tháng cuối năm. Các doanh nghiệp này được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án, cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/9 ước đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, tương đương 51,38% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Nói về con số này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương mới đây cho hay đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này.
“Đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng cho nền kinh tế”, Thứ trưởng đánh giá.
Đầu tư công được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp liên quan nói riêng. Tuy nhiên, sự tác động từ đầu tư công thường không phải ngay lập tức bởi tốc độ giải ngân vốn có độ trễ.
Chẳng hạn Vicem Hoàng Mai, dù liên tiếp trúng các gói thầu cung cấp xi măng cho Sở Tài chính Nghệ An để thực hiện các dự án Nông thôn mới song phần lớn doanh thu vẫn nằm ở “khoản phải thu”, tức chưa được thanh toán. Ngoài ra, dù trúng các gói thầu, chi phí bán hàng (55 tỷ đồng) đã vượt lợi nhuận gộp của công ty (48 tỷ đồng) trong quý III vừa qua - là nguyên nhân khiến công ty thua lỗ.
Bản thân lãnh đạo một số doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư công cũng thừa nhận lĩnh vực này mang lại nguồn doanh thu chính giúp công ty vận hành, có tiền trả lương cho người lao động, song tỷ suất lợi nhuận thường ở mức thấp.
Hồi đầu năm, tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex từng cho biết sự biến động về giá nguyên vật liệu, tăng giá nhân công, thời gian quyết toán, thanh toán kéo dài… khiến biên lợi nhuận mảng đầu tư công không cao.
“Chúng ta làm để nuôi hệ thống, nuôi hàng ngàn cán bộ nhân viên”, ông Thanh nói.
Với ngành xi măng, động lực lâu dài và bền vững vẫn phải đến từ sự hồi phục của ngành bất động sản và thị trường xuất khẩu clinker.
Hồi giữa năm, ông Hà Quang Hiện, Chánh văn phòng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ (nội địa lẫn xuất khẩu) của Vicem trong nửa đầu năm đều không đạt, dù các doanh nghiệp sản xuất đã sử dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ.
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, trong bài trả lời Báo Kinh tế & Đô thị mới đây, nhận định một số nhà máy sản xuất xi măng phải dừng bớt lò nung do tiêu thụ kém. Ngoài ra, nếu như trước đây ngành xi măng còn dựa vào xuất khẩu thì đến nay, thị trường tiêu thụ này gặp khó, bị nhiều yếu tố tác động từ tình hình thế giới. Trong nước, việc Chính phủ tăng thuế xuất khẩu mặt hàng clinker (xi măng dạng thô) từ 5% lên 10%, cũng tác động thêm vào tình trạng cung vượt cầu làm ngành xi măng của nước ta khó khăn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu clinker và xi măng trong tháng 9 đạt hơn 2,28 triệu tấn với trị giá hơn 93,9 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 19,1% về trị giá so với tháng 8/2023.
Theo Lâm Tùng