A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chuyển sang lỗ sau soát xét, kiểm toán ngoại trừ hàng loạt vấn đề

Lợi nhuận bán niên của Danameco đã chuyển từ lãi sang lỗ gần 5 tỷ sau kỳ soát xét. Ngoài việc chuyển từ lãi sang lỗ, Danameco đã nhận thêm một loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên.

CTCP Y tế Danameco ( HNX: DNM ) tiền thân là Trạm Vật tư y tế Quảng Nam - Đà Nẵng, được Sở Y Tế Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập từ năm 1976. Công ty được đổi tên thành Tổng công Y tế Danameco theo quyết định số 3596 do Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2004, và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 7 năm 2005. Đơn vị này chuyên sản xuất và phân phối vật tư y tế gồm các dụng cụ y tế đến vật tư tiêu hao gây mê và hô hấp, kim bấm phẫu thuật...Đặc biệt, doanh nghiệp này còn sản xuất và phân phối cả khẩu trang, trang phục chống dịch... những vật dụng rất cần thiết trong những dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.

Xét về cơ cấu cổ đông của Danameco, ông Dịp Văn Minh đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 1,2 triệu cổ phiếu DNM, tương ứng với 23,04% vốn điều lệ. Tuy nhiên, vị này hiện đang không nằm trong HĐQT cũng như các cấp lãnh đạo của công ty. Cổ đông lớn thứ hai là Chủ tịch HĐQT Võ Anh Đức với 22,45% vốn. HĐQT đơn vị này còn 2 người khác là ông Lê Văn Nam sở hữu 4,8% vốn và bà Huỳnh Thị Li Li - kiêm Tổng giám đốc.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, lợi nhuận Danameco đạt đỉnh

Danameco niêm yết cổ phiếu DNM trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kể từ năm 2011. Kể từ thời điểm đó đến nay, doanh nghiệp đã đều đặn có lãi từ vài tỷ đến vài chục tỷ mỗi năm. Đặc biệt, đến năm 2020 - khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam khiến nhu cầu về thiết bị y tế tăng cao, Danameco đã ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục ở mức 37,1 tỷ đồng. Dù năm 2021 lợi nhuận công ty có giảm tuy nhiên vẫn cao hơn giai đoạn 2011-2019.

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chuyển sang lỗ sau soát xét, kiểm toán ngoại trừ hàng loạt vấn đề - Ảnh 1.

Đơn vị: tỷ đồng

Không chỉ lợi nhuận đạt đỉnh, cổ phiếu DNM cũng tăng vọt trong hai năm 2020 - 2021. Trước năm 2020, cổ phiếu của Danameco thâm chí còn giao dịch ở dưới mệnh giá và gần như không có thanh khoản. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1/2020, cổ phiếu DNM có giá 8.330 đồng/cp

Tuy nhiên, sau khi phát hiện những ca nhiễm, thị giá DNM đã liên tục tăng. Chỉ sau 7 tháng, thị giá mã này đã gấp gần 6 lên đạt đỉnh lịch sử 48.910 đồng/cp. Sau đó cổ phiếu này vẫn luôn duy trì được mức giá trên 20.000 đồng/cp trong hơn 2 năm qua. Thanh khoản từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đơn vị.

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chuyển sang lỗ sau soát xét, kiểm toán ngoại trừ hàng loạt vấn đề - Ảnh 2.

Thị giá cổ phiếu DNM

Trong những năm đại dịch xảy ra, Danameco có rất nhiều thuận lợi cùng với dự địa tăng trưởng lớn của ngành y tế. Tại chương trình Bí mật đồng tiền, ông Nguyễn Lý Thanh Lương, chuyên gia phân tích tại SSI Research (CTCP Chứng khoán SSI) cho rằng ngành y tế đang có sự tăng trưởng đều đặn và còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới. Theo vị này, khi mà thu nhập của người dân tăng cao thì mọi người sẽ có xu hướng để ý đến sức khỏe của mình hơn. Ngoài ra, việc hai năm qua dịch Covid-19 diễn biến phức tập cũng đã gây ra rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống của mỗi người dân. Vì vậy nhu cầu về thuốc và và dụng cụ y tế đang tăng mạnh và người dân ngày càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp hơn.

Tuy nhiên sau 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc thì doanh nghiệp này lại bất ngờ báo lỗ sau kiểm toán.

Danameco báo lỗ, nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán

Trước kiểm toán, Danameco đã ghi nhận doanh thu 196,8 tỷ đồng, lãi sau thuế là 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau soát xét công ty lỗ 25,5 tỷ đồng sau thuế. So với kết quả cùng kỳ năm 2021, mặc dù doanh thu tăng 32,6% nhưng giá vốn hàng bán tăng cao cùng kỳ và chi phí tài chính tăng khiến công ty không thể đạt mức có lãi như năm 2021.

Cụ thể về các khoản mục thay đổi sau soát xét, doanh thu đơn vị này đã giảm 3,2% so với báo cáo tự lập còn 190,6 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn hàng bán lại tăng 22,6% lên 186,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp sau soát xét giảm 90,6% còn 4,2 tỷ đồng. Các chi phí của đơn vị này cũng tăng sau soát xét khiến đơn vị này ghi nhận lỗ 25,5 tỷ đồng sau 2 quý năm 2022.

Giải trình về việc lỗ trong nửa đầu năm nay, phía công ty cho rằng sau khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn ra, các khách hàng quốc tế mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng sản xuất vật tư y tế. Vì vậy, công ty đã tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng để đẩy mạnh sản xuất khiến giá vốn tăng cao.

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chuyển sang lỗ sau soát xét, kiểm toán ngoại trừ hàng loạt vấn đề - Ảnh 3.

Đơn vị: tỷ đồng

Ngoài việc chuyển từ lãi sang lỗ, công ty còn nhận thêm một loạt ý kiến ngoại từ từ kiểm toán viên của công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC. Đầu tiên, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay đã bao gồm giá vốn hàng bán với số tiền là hơn 6 tỷ đồng. Theo giải trình của Danameco đây là giá vốn tương ứng với doanh thu đã ghi nhận với các kỳ kế toán trước năm 2022. Do hạn chế phạm vi tiếp cận nên AAC không thể đưa ra kết luận về nghiệp vụ này cũng như ảnh hưởng của chúng đến các khoản mục liên quan.

Thứ hai kiểm toán viên không được cung cấp các hồ sơ kế toán có liên qua đến khoản doanh thu nửa năm đầu năm nay có giá trị là 2,1 tỷ đồng. Do đó, kiểm toán viên không thể xác định về tính đúng đán của khoản doanh thu nói trên.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán từ chối xác định tính hiện hữu của tài sản là máy móc, thiết bị (nguyên giá 37 tỷ đồng) đang được công ty dùng cho hoạt động liên kết với Bệnh viện Thái Nguyên. Kiểm toán viên không được cung cấp các biên bản bàn giao tài sản liên kết, các tài liệu kế toán có liên quan đến phân chia kết quả hằng năm, các hồ sơ khác có liên quan. Theo ACC, căn cứ vào báo cáo tài chính của các năm 2020 và năm 2021, toàn bộ chi phí khấu hao của các tài sản trên là 13 tỷ đồng, đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh các năm tương ứng của công ty mà không phân bổ cho bên liên kết. Riêng chi phí khấu hao 6 tháng đầu năm 2022 của các tài sản này thì công ty chưa thực hiện trích (ước tính 2 tỷ đồng). Công ty cũng chưa ghi nhận kết quả (lãi hoặc lỗ) từ hoạt động liên kết trên từ năm 2020 đến nay.

Thứ tư, trong tháng 6 năm nay, công ty đã tạm nhập hàng hóa và ghi nhận nợ phải trả nhà cung cấp với cùng số tiền hơn 28,4 tỷ đồng, các hóa đơn mua hàng tương ứng được phát hành vào tháng 8/2022. Công ty đã ghi nhận bút toán xuất kho toàn bộ lượng hàng này và ghi nhận vào giá vốn trong tháng 6, nhưng kiểm toán viên chưa được cung cấp các phiếu xuất kho liên quan đến lượng hàng tồn kho này. Mặt khác, các hồ sơ bán hàng của công ty đều thể hiện thời điểm phát sinh doanh thu là tháng 1/2022. Do sự không hợp lý về thời điểm ghi nhận doanh thu và giá vốn tại hồ sơ kế toán, kiểm toán không thể đưa ra kết luận về giao dịch mua, bán lô hàng này.

Cuối cùng, đơn vị kiểm toán còn chỉ ra công ty chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức vào ngày 28/6 với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 30/6 là hơn 2,5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền công ty đã trả vượt quá nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6,1 tỷ đồng.

Trước đó, HNX đã bổ sung cổ phiếu DNM vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét. Tuy nhiên, dù có đưa báo cáo đúng hạn thì mã này vẫn bị cắt margin do ghi nhận lỗ sau 6 tháng đầu năm.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Danameco đạt 486 tỷ đồng, giảm 6,4% so với số đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền là 46,5 tỷ đồng, tăng 10,7%. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 42,7% còn 83,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 31% lên 168,6 tỷ đồng. Tài sản cố định là 116,5 tỷ đồng, giảm 14,2%.

Tính đến cuối tháng 6, số lỗ lũy kế của công ty là 6,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 115,9 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 52,5 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 235,6 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với vốn chủ sở hữu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...