Doanh nghiệp ngành phân bón "ăn nên làm ra"
Quý I/2025 chứng kiến sự bứt phá ấn tượng của nhiều doanh nghiệp ngành phân bón, với lợi nhuận tăng mạnh nhờ giá bán phục hồi và sản lượng tiêu thụ cải thiện. Trong bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều thách thức, kết quả này được coi là điểm sáng đáng chú ý của thị trường.
Doanh nghiệp phân bón bứt phá quý I/2025. Ảnh: Đ.H
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với các chỉ tiêu tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu DCM trong ba tháng đầu năm đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 24%. Trừ đi giá vốn, lãi gộp đạt 885 tỷ đồng, tăng 25%.
Dù doanh thu tài chính trong kỳ giảm 26% còn 97 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 50% lên 172 tỷ đồng và chi phí bán hàng giữ ở mức cao 339 tỷ đồng, Đạm Cà Mau vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng 411 tỷ đồng, tăng 19%.
Tính đến hết quý I, tổng tài sản doanh nghiệp đạt gần 16.900 tỷ đồng, tăng 7,3% so với đầu năm, trong đó hơn 14.000 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, tăng 9%. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DCM hiện giao dịch quanh mức 34.350 đồng/cổ phiếu.
Một cái tên đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (mã BFC) với kết quả kinh doanh tích cực cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 2.555 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 374 tỷ đồng, tăng 42%, kéo biên lợi nhuận gộp lên 14,6%, cao hơn mức 13,6% cùng kỳ.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 137,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 111,1 tỷ đồng, cùng tăng hơn 50%. Đáng chú ý, chỉ sau một quý, doanh nghiệp đã hoàn thành 49% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025, đặt ra ở mức 281 tỷ đồng.
Chốt phiên ngày 27/5, cổ phiếu BFC đang giao dịch ở mức 46.950 đồng, giảm nhẹ 2,29% so với phiên liền trước.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) cũng cho thấy sự ổn định. Quý I năm nay, DPM báo lãi 205 tỷ đồng. Dù thấp hơn cùng kỳ, song doanh thu tăng khá mạnh, đạt hơn 4.100 tỷ đồng, tăng 25%; lãi gộp cũng tăng 8%, đạt gần 655 tỷ đồng.
Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản xuất 780.000 tấn Urê Phú Mỹ và 165.000 tấn NPK Phú Mỹ, doanh thu hợp nhất dự kiến 12.876 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 410 tỉ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu DPM chốt phiên 27/5 ở mức 33.950 đồng, giảm nhẹ so với phiên liền trước.
Một điểm sáng khác đến từ Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM (mã DDV) với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên tới 361,8%, đạt gần 122 tỷ đồng. Trong kỳ, DDV ghi nhận doanh thu gần 1.163 tỷ đồng, tăng 48,3% so với quý I/2024.
Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chính đến từ việc tăng sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân. Cụ thể, giá bán bình quân kỳ này là 14,7 triệu đồng/tấn, tăng 1,4 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng phân bón DAP tiêu thụ cũng tăng thêm 13.158 tấn, tương ứng mức tăng 22,8%.
Tại phiên giao dịch ngày 28/5, cổ phiếu DDV giảm nhẹ 0,8%, còn 24.900 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp phân bón nào cũng “ăn nên làm ra”. Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (mã ABS) là một trường hợp trái chiều. Doanh nghiệp báo lỗ ròng 1,7 tỷ đồng trong quý I/2025, trong khi cùng kỳ lãi 3,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế suy giảm khiến hoạt động kinh doanh gặp khó. Doanh nghiệp còn phải chia sẻ lợi nhuận với đại lý, khách hàng để giữ thị phần, khiến kết quả tài chính sụt giảm.
Theo dự báo từ giới phân tích, giá ure trong quý II/2025 có khả năng tiếp tục tăng theo xu hướng giá thế giới, đồng thời được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa gia tăng khi bước vào vụ hè thu. Một yếu tố khác có thể tác động tích cực là chính sách áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, thay vì miễn thuế như trước. Đây được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa linh hoạt hơn trong điều chỉnh giá bán, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.