A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo nghị định của Chính phủ được ví von là “phao cứu sinh” đúng lúc để giúp doanh nghiệp (DN) sớm hồi phục sau đại dịch COVID-19. Thế nhưng thực tế nhiều DN không thể vay được vốn do chưa đáp ứng được điều kiện do phía ngân hàng đưa ra.

Vướng… đủ thứ

Để hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư chỉ đạo các ngân hàng thương mại (ngân hàng) nhanh chóng triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có tổng trị giá 40.000 tỷ đồng theo nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, sau nhiều tháng triển khai, nhiều DN ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… cho biết vẫn khó “với” tới gói hỗ trợ này.

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây tại TPHCM, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được tiếp cận nguồn vốn, để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng thương mại.

Uyên Phương

Hơn 2 năm qua không hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nay dù rất muốn phục hồi nhưng Công ty TNHH An Khang (Bình Dương) không thể tiếp cận được bất cứ nguồn vốn vay ưu đãi nào từ các ngân hàng. “Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương công nhân, nhưng vướng điều kiện DN “không có nợ xấu”, gói hỗ trợ lãi suất 2% để phục hồi lại cần phải có doanh thu nên DN rất khó để đáp ứng”, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH An Khang chia sẻ.

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% - Ảnh 2.

Công nhân sản xuất trong Công ty Panko Vina (Bình Dương) ảnh: H.C

Bà Trần Tú Anh, Giám đốc Công ty Sản xuất Hoàng Diệu (Bình Dương) cho biết, DN muốn mở rộng sản xuất để phục vụ nhu cầu đang phục hồi và cần vay vốn nhưng đa số tài sản đảm bảo đã thế chấp cho ngân hàng. “ Đối với gói cho vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2%, DN khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh. Các DN nhỏ mong muốn ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn để DN có thể dễ tiếp cận hơn với các gói hỗ trợ”, bà Tú Anh nói.

"Theo quy định, các ngân hàng thương mại phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ cho cả 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các ngân hàng thương mại trong 2 năm lớn hơn 40.000 tỷ đồng thì sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại ".

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương

Có tài sản thế chấp, là đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất 2% nhưng bà Lê Hoàng Minh Dung, đại diện cơ sở T.H (quận 12, TPHCM) chuyên xuất khẩu phở, bún, miến… vẫn không thể vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất này để mua thêm máy móc, nguyên liệu.

 “Qua tìm hiểu, biết được DN chế biến như chúng tôi thuộc đối tượng vay vốn hỗ trợ lãi suất 2%. Chúng tôi đã mang tài sản là hiện trạng toàn bộ nhà máy đang sản xuất để thế chấp nhưng vẫn không được ngân hàng giải quyết với lý do công ty mới thành lập từ năm 2021 nên không đủ điều kiện vay vốn”, bà Dung nói.

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% - Ảnh 4.

Đại diện nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương kêu khó tiếp cận vốn vay ưu đãi 2% ảnh: H.C

“ Để tiếp cận được gói vay, có nhiều thủ tục từ phía ngân hàng, quá trình thẩm định khá phức tạp. Các DN vừa và nhỏ rất khó để tiếp cận vì không dễ chứng minh được năng lực tài chính, nguồn lực. Đối với những DN có phương án kinh doanh tốt, định hướng phát triển rõ ràng, ngành nghề kinh doanh cũng đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng do DN dạng này đa số là ngành nghề dịch vụ và việc sử dụng nguồn lực chéo như thuê ngoài để tối ưu thì họ lại không có tài sản đảm bảo, nên cũng rất khó tiếp cận các khoản vay ", ông Nghĩa Đỗ, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Hưng Long (quận 12) chia sẻ.

“Phao cứu sinh” cần kịp thời

Bên cạnh những khó khăn về điều kiện, thủ tục, việc các ngân hàng thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay cũng là rào cản với các DN khi muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Trong khi đó, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023, quá ngắn để lo thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, gói hỗ trợ 2% lãi suất cho các DN vay vốn có đối tượng tiếp cận hạn chế nên dù đã có hồ sơ đăng ký nhưng thường là không đủ điều kiện nên buộc phải chờ bổ sung. Do đó, đến nay, chưa có DN nào chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Trước đó, đối với gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho công nhân, tại tỉnh Bình Dương cũng chỉ có 5 DN đủ điều kiện được giải ngân.

Theo ông Đinh Hải Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Hưng Phước, hiện nay, các ngân hàng đã gần hết hạn mức tín dụng, cùng áp lực lạm phát lớn, có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ, vì vậy sẽ khó giải quyết được nguồn vốn, trong lúc DN đang rất cần vốn. “Để chính sách thực sự là “phao cứu sinh”, cần cân nhắc nới các điều kiện cho vay để có thêm DN được hưởng gói hỗ trợ này. Cụ thể, nếu DN nào có khả năng phục hồi thì được vay vốn. Có như vậy, chính sách mới kịp thời bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực sự trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Ninh nhìn nhận.

Theo HƯƠNG CHI - UYÊN PHƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...