Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đón tín hiệu tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc
Sau thông tin Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II từ ngày 15/3/2023, nhóm cổ phiếu du lịch, dịch vụ trên thị trường niêm yết có tín hiệu tích cực trở lại. Giới phân tích kỳ vọng, đây là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này trong thời gian tới.
Hành khách tra cứu thông tin tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Theo Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, thời gian qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Riêng tháng 2 vừa qua, Việt Nam đón hơn 932.000 lượt khách quốc tế, tăng 7,1% so với tháng 1/2023.
Đại diện lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá, bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách, nhưng chiếm 60% doanh thu và nội địa chiếm 60% sản lượng khách, song chỉ mang lại 40% doanh thu. Trong số đó, Trung Quốc góp phần quan trọng với hơn 20% sản lượng bay quốc tế.
Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không đã sẵn sàng khôi phục hoàn toàn mạng bay tới Trung Quốc. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 - 4 năm nay, qua đó khôi phục tổng cộng 9/10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Ngoài ra, hãng hàng không Vietjet cũng mở lại và tăng tần suất khai thác các chuyến bay thẳng đến Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)…
Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đỗ Xuân Quang cho biết, để đón khách du lịch quốc tế một cách thuận lợi, Việt Nam cần sớm triển khai các chính sách thị thực thông thoáng, cấp thị thực điện tử cho nhiều nước hơn, bao gồm cả du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử cũng như tiến tới miễn thị thực cho du khách Australia, khối Schengen...
Về phía các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhiều ý kiến cho rằng để du khách trải nghiệm du lịch và quyết định có quay trở lại Việt Nam hay không là nhờ các sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, “nút thắt visa” là cánh cửa đầu tiên đưa du khách đến Việt Nam và chính sách thông thoáng, cởi mở là giải pháp hiệu quả để thu hút du khách quốc tế, góp phần đưa du lịch - hàng không trở lại vị thế vốn có trong khu vực và thế giới. Đồng thời, Việt Nam có thể phát triển các hình thức kinh doanh lịch tiềm năng như: du lịch sức khỏe, du lịch mua sắm, giải trí...
Đến nay, doanh nghiệp cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, tiếp cận nhiều nguồn lực và khách hàng hơn như Vietravel thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn Vietravel trở thành công ty mẹ, Vietravel (du lịch) và Vietravel Airlines (hàng không), WorldTrans (sàn bán vé thương mại điện tử) là những doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái chung của tập đoàn và cùng nhau hỗ trợ cho sự phát triển theo mô hình hàng không và lữ hành.
Vừa qua, doanh nghiệp này đã hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ từ 173 tỷ đồng lên 293 tỷ đồng nhằm tạo nguồn lực đưa công nghệ vào phục vụ hoạt động kinh doanh, xây dựng sản phẩm mới, mở rộng hệ thống các chi nhánh trong và ngoài nước. Đặc biệt, Vietravel Airlines đang trong giai đoạn mở rộng các đường bay quốc tế đến các thị trường trọng điểm về du lịch.
Phiên giao dịch cuối tuần 10/3, nhóm cổ phiếu du lịch, dịch vụ đóng cửa trong sắc xanh. Cổ phiếu VTR của Công ty Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) có giá 27.000 đồng, HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có giá 13.950 đồng, VJC có giá 100.600 đồng, VNG của Công ty Du lịch Thành Thành Công có giá 9.450 đồng, VTD của Công ty Vietourist Holdings có giá 12.000 đồng/đơn vị.
Theo Diệp Anh