Để thực sự là chủ thể của nền kinh tế
Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến giới doanh nhân, Công Thương Việt Nam.
Ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Chính vì thế, ngày 13/10 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khen thưởng cho các doanh nghiệp. |
Bức thư của Bác gửi giới doanh nhân Việt Nam 78 năm thực sự đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên mà Bác dành cho giới doanh nhân. Trong thư Bác Hồ viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Miền Bắc được giải phóng, đầu tháng 11/1955, khi gửi thư tới Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp, Bác viết: “Đảng và Chính phủ tin cậy cán bộ, giao cho cán bộ nhiệm vụ chủ chốt, nhiệm vụ quản lý. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ ta phải luôn luôn cố gắng làm trọn nhiệm vụ, mới xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Chính phủ và của Nhân dân. Muốn như vậy thì cán bộ ta phải cố gắng quản lý thật tốt các xí nghiệp, phải bảo đảm kinh doanh có lãi cho nước nhà…”.
Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất (tổ chức tại Hà Nội ngày 31/5/1956) với sự tham dự của 354 đại biểu, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngành Thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho Nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ Nhân dân…”.
Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp ngày 22/1/1960, Bác Hồ căn dặn: “... các xí nghiệp quốc doanh phải chú ý giúp đỡ làm cho công nghiệp địa phương ngày một phát triển. Nhưng các địa phương không nên ỷ lại vào Trung ương mà phải chú ý làm cho đúng phương châm: Vốn, nguyên liệu, vật liệu, người của địa phương là chính; sản xuất hàng ra chủ yếu bán ở địa phương”.
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) tháng 4/1962, trong phần định hướng công tác lãnh đạo về công nghiệp, Người nhấn mạnh: “Cái chìa khóa của việc phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì đẩy mạnh quản lý xí nghiệp và cán bộ, công nhân phải thạo kỹ thuật; các cơ quan lãnh đạo thì phải đi sâu đi sát, phục vụ sản xuất”.
Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13/10/1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thật thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu.
Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất... Những chỉ dẫn cụ thể đó của Bác vẫn đang có tính thời sự đối với cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, điểm có giá trị đột phá lý luận ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là quan điểm tạo điều kiện và mở ra vận hội tối đa cho doanh nhân, kinh tế tư nhân làm giàu trong khuôn khổ pháp luật. Vượt lên trên những định kiến giai cấp đương thời, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã xác định: “Cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông, tài chính… Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính, giao thông để tích cực tham gia sản xuất, lưu thông buôn bán”.
Người đã nhiều lần chỉ rõ: Chính phủ không chủ trương xóa bỏ, tước đoạt toàn bộ kinh tế tư nhân mà vẫn sử dụng nó như một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế. Bác không lo sợ dân chúng làm giàu, không sợ sự lớn mạnh, bành trướng của các loại hình kinh tế tư nhân trong điều kiện chính quyền đã thật sự thuộc về tay Nhân dân và vì lợi ích của đại đa số người lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Như vậy, làm giàu, sự phân tầng thu nhập giữa các nhóm dân cư bằng năng lực và trí tuệ chân chính là một hiện tượng tích cực của quá trình tiến hóa xã hội. Những người giàu có, biết làm giàu cho mình và tham gia làm giàu cho xã hội, ở mức độ nào đó, đại diện cho tinh hoa của dân tộc. Chính nhận thức và quan niệm này đã mở ra “thời kỳ phát triển vàng son” của doanh nhân, kinh tế tư nhân vào những năm 1954-1960…
78 năm sau ngày gửi thư tới giới Công - Thương và 54 năm ngày Bác đi xa, tư tưởng, những lời căn dặn của Người vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nước ta. Từ những tiên định, tư duy uyên bác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin vào giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, coi đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện cao cả của Người.
…Trong các bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đánh giá: “Với tất cả sự khiêm tốn, có thể nói rằng chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ như ngày hôm nay”. Tạo ra cơ đồ đó, có đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân Thủ đô nố riêng. Với tư cách là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế, những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp cũng luôn lấy tinh thần “tự tôn dân tộc” với khát vọng đất nước hùng cường làm kim chỉ nam để tiến bước.
Tuy nhiên, trong một nền kinh tế đang chuyển đổi, dù các công cụ pháp lý đã khá đầy đủ, song đâu đó vẫn còn có những quy định “bất thành văn” khiến không ít doanh nghiệp gặp khó trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, muốn đạt được mục tiêu, cực chẳng đã doanh nghiệp phải đi đường vòng hay còn gọi là “cửa sau” rồi để vướng vào vòng lao lý. Vì vậy, điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi ngoài hàng lang pháp lý chặt chẽ, thông thoáng, không chồng chéo điều quan trọng bộ máy thực thi công phải thanh liêm, chính thực sự là đối tác, bạn đồng hành để các doanh nghiệp “thi đấu” sòng phẳng trong một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh. Điều này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thực sự là chủ thể đưa nền kinh tế phát triển và thực hiện thành công mục tiêu đất nước hùng cường như Bác Hồ hằng mong muốn và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Chính vì thế, ngày 13/10 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định là Ngày Doanh nhân Việt Nam. |
T.Giang