Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay
Làn sóng giảm lãi suất huy động bắt đầu từ 6/3 trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, có tác động tích cực tới những người có nhu cầu vay vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất
NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo NHNN, báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi: Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 - 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2023, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.
NHNN đã rà soát, đánh giá và thấy rằng các điều kiện cho vay được giữ nguyên, không thắt chặt, từ đầu năm các ngân hàng không bị hạn chế về room tín dụng, thanh khoản hệ thống dư thừa,…
Do đó, việc tín dụng tăng trưởng chậm có một số nguyên nhân do: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; thứ hai, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Đặc biệt, tín dụng cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Những năm trước, tín dụng bất động sản tăng cao, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Theo Ngọc Mai