A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý I/2025 có gì đặc biệt?

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, nhưng đồng thời cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Trong khi nhiều “ông lớn” duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, một số nhà băng lại có xu hướng đi ngang hoặc chứng kiến đà giảm lợi nhuận, chủ yếu do áp lực chi phí dự phòng rủi ro và suy giảm thu nhập ngoài lãi.

Bức tranh ngành ngân hàng quý I có nhiều mảng sáng – tối. Ảnh: Đ.H

Theo tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 82.531 tỷ đồng, tăng 14,48% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, không có ngân hàng nào ghi nhận lỗ trong quý đầu năm. Trong số này, 22 ngân hàng báo lãi tăng, chỉ có 5 ngân hàng ghi nhận sụt giảm lợi nhuận, cho thấy xu hướng phục hồi chung nhưng phân hóa ngày càng sâu.

Lợi nhuận tăng nhưng không đồng đều

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế gần 10.860 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ việc giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Tổng tài sản tính đến cuối quý đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,96% lên 1,03%, với tổng nợ xấu hơn 15.036 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là điểm sáng nổi bật khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.386 tỷ đồng, tăng mạnh 44,7% so với cùng kỳ. Với mục tiêu lợi nhuận cả năm là hơn 31.000 tỷ đồng, MBBank đã hoàn thành 27% kế hoạch chỉ sau một quý.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) đạt lợi nhuận trước thuế 7.413 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tăng nhẹ lên gần 2,86 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu tăng đáng kể lên gần 39.908 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,41% lên 1,89%.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.823 tỷ đồng, tăng 10%. Tổng tài sản đạt gần 2,47 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 5%, nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,24% lên 1,55%.

TPBank (mã TPB) báo lãi trước thuế gần 2.109 tỷ đồng, tăng 15%, hoàn thành hơn 23% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, ABBank (mã ABB) gây bất ngờ với lợi nhuận quý I gần 416 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính, tăng 26%, đóng vai trò chủ lực cho tăng trưởng.

Ngân hàng Vietbank (mã VBB) cũng đạt kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế hơn 248 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần. Thu nhập lãi thuần tăng 56%, tổng tài sản tăng 7%, và tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,75% xuống còn 2,64%.

Eximbank (mã EIB) ghi nhận lợi nhuận quý I đạt 832 tỷ đồng, tăng gần 26%. Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý đạt 251.133 tỷ đồng, tăng 5%.

Bac A Bank (mã BAB) lãi hơn 367 tỷ đồng, tăng 8%. Với mục tiêu 1.300 tỷ đồng lợi nhuận cả năm, nhà băng này đã hoàn thành 28% kế hoạch. Nợ xấu tăng nhẹ 3%, lên gần 1.406 tỷ đồng, nhưng vẫn nằm trong mức kiểm soát.

MSB lãi trước thuế gần 1.631 tỷ đồng, tăng 7%; Sacombank đạt hơn 3.674 tỷ đồng, tăng 38%; KienlongBank lãi gần 357 tỷ đồng, tăng tới 67%.

Ở chiều ngược lại, một số nhà băng chững lại hoặc sụt giảm lợi nhuận. Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB, mã VIB) là một trong số ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận suy giảm, với mức lãi trước thuế quý I đạt gần 2.421 tỷ đồng, giảm 3%. Mặc dù vẫn hoàn thành được 22% kế hoạch năm, nhưng nợ xấu tăng 11%, lên 12.675 tỷ đồng.

Techcombank (mã TCB), một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất, báo lãi trước thuế hơn 7.236 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Dù tổng tài sản tăng nhẹ 1,1% lên 989.216 tỷ đồng, nhưng tiền gửi khách hàng lại giảm, phản ánh áp lực cạnh tranh huy động vốn.

Ngân hàng Á Châu (ACB, mã ACB) báo lãi 4.597 tỷ đồng, giảm 6%. Tương tự, OCB (mã OCB) đạt lợi nhuận trước thuế 893 tỷ đồng, giảm mạnh 26,5%. Dù thu nhập lãi thuần tăng gần 14%, nhưng thu nhập ngoài lãi lại giảm sâu tới 72%, chỉ đạt 110 tỷ đồng – cho thấy sự phụ thuộc lớn vào thu nhập truyền thống.

PGBank cũng nằm trong nhóm sụt giảm, với lợi nhuận quý I chỉ đạt 96 tỷ đồng, giảm 17,3%.

Nợ xấu âm thầm leo thang

Một điểm đáng chú ý trong quý I/2025 là xu hướng gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng lớn. Vietcombank, BIDV, VietinBank, VIB, Techcombank... đều ghi nhận mức tăng nợ xấu từ 8% đến hơn 30% so với đầu năm.

Theo đó, tại BIDV, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2025 lên tới 39.908 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,41% lên 1,89%, mức tăng cao nhất trong hệ thống. Trong khi đó, VietinBank ghi nhận tổng nợ xấu 27.971 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 1,24% lên 1,55%. Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,96% cuối năm 2024 lên 1,03% vào cuối tháng 3/2025, tương ứng tổng nợ xấu hơn 15.036 tỷ đồng.

Ngân hàng báo lãi lớn nhưng nợ xấu lặng lẽ tăng. Ảnh: AI

Trong nhóm tư nhân, Techcombank báo cáo số dư nợ xấu gần 7.800 tỷ đồng vào cuối quý I/2025, tăng 9,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,23%. Ngân hàng MB cũng ghi nhận tổng nợ xấu tăng lên 14.681 tỷ đồng.

Một số ngân hàng như VietABank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,37% xuống 0,63% sau quý I. Tuy nhiên, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lại tăng vọt 4,3 lần, từ 333,7 tỷ đồng lên 1.452 tỷ đồng, chiếm tới 1,7% tổng dư nợ. Điều này phản ánh khả năng rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới. Đáng chú ý, một số nhà băng khác như VIB, Saigonbank, BVBank và ABBank đã vượt ngưỡng 3% nợ xấu – mức cảnh báo theo quy định.

Theo báo cáo mới đây của SSI Research, chất lượng tài sản tại nhiều ngân hàng vẫn chịu áp lực trong quý I/2025, khi thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều dự án thiếu pháp lý hoặc khó thanh khoản khiến các khoản vay mua nhà hoặc tín dụng liên quan bị chuyển nhóm, gia tăng nợ xấu. Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh cũng chịu ảnh hưởng từ việc cơ cấu khoản vay với một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng – lĩnh vực đang gặp khó về đầu ra và dòng tiền.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng có chọn lọc. Những nhà băng kiểm soát rủi ro tốt, triển khai chiến lược tín dụng thận trọng và duy trì cấu trúc tài sản lành mạnh sẽ tiếp tục nắm giữ lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào thu nhập ngoài lãi hoặc đang chịu áp lực từ danh mục cho vay rủi ro – đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng – sẽ còn gặp khó khăn trong các quý tiếp theo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...