Ấn Độ siết xuất khẩu gạo làm thị trường gạo châu Á tê liệt
Các hạn chế của Ấn Độ đối với xuất khẩu gạo đã làm tê liệt giao dịch ở châu Á.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, ngày 8/9, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken-rice), mã HS 1006 40 00, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.
Theo thông báo, một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15/9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện: Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống.
Ngoài ra, ngày 8/9, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành thông báo về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: thóc (HS 100610), gạo lứt và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.
Một số nhà xuất khẩu cho rằng, quyết định của Chính phủ là quá bất ngờ, gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Người mua không thể trả thêm 20% giá lô hàng và người bán cũng không thể bỏ ra 20% tiền thuế xuất khẩu.
Ông V.K Rao - Chủ tịch Hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết: “Động thái của chính phủ sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 đôla Mỹ một tấn từ mức 350 đôla Mỹ hiện nay trên cơ sở giao hàng tự do”. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ yêu cầu chính phủ miễn thuế đối với khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa được vận chuyển.
Ấn Độ siết xuất khẩu gạo làm thị trường gạo châu Á tê liệt |
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này như Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433 nghìn tấn năm 2021).
Theo Reuters, việc vận chuyển gạo những ngày qua đang bị tạm dừng tại các cảng Ấn Độ và gần 1 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt do người mua từ chối trả thêm mức thuế xuất khẩu 20% mới mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra.
Khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Giá gạo trắng 5% tấm tăng thêm khoảng 20 USD/tấn trong 4 ngày qua. “Chúng tôi nghĩ giá sẽ tăng thêm nữa trong những tuần tới” - Reuters dẫn lời một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Cũng theo Reuters, giá gạo 5% tấm RI-VNBKN5-P1 của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn trong ngày 12/9, tăng khoảng 20 USD so với mức giá 390 - 393 USD/tấn vào tuần trước.
Cuối tuần trước, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu khác. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang nỗ lực tăng nguồn cung và ổn định giá gạo trong nước. Các hạn chế của New Delhi khiến các bên mua chuyển sang tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. “Ấn Độ chiếm hơn 40% các lô hàng toàn cầu. Vì vậy, không ai dám chắc giá sẽ tăng bao nhiêu trong những tháng tới" - ông Himanshu Agarwal - Giám đốc điều hành của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ cho hay.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên khắp thế giới. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục vào khoảng 1.000 USD/tấn. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 21,5 triệu tấn vào năm 2021, nhiều hơn tổng khối lượng gạo của 4 nước xuất khẩu lớn liền kề cộng lại gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Sản lượng hàng năm của Việt Nam - vốn thường xuyên ở vị trí thứ 3 xuất khẩu gạo thế giới chỉ vào khoảng 6 - 6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ.